Khủng hoảng nam tính ở Trung Quốc
Chính quyền Trung Quốc đang khuyến khích phái mạnh tăng cường tập gym trước tình trạng nam giới ngày càng 'yếu đuối, nữ tính, tự cao'.
Ngày 28/1, Bộ Giáo dục Trung Quốc tuyên bố nam giới nước này cần tăng cường luyện tập thể chất nhằm ngăn chặn tình trạng "nữ tính hóa" ở phái mạnh.
Theo đó, chính quyền sẽ tuyển dụng thêm giáo viên, huấn luyện viên gym và thay đổi phương pháp giảng dạy giáo dục thể chất tại các trường học, trung tâm.
Phát ngôn này được đưa ra sau khi một cố vấn thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc cho rằng đàn ông xứ tỷ dân ngày càng "yếu đuối, tự cao".
Ngoài ra, họ cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ xu hướng "tiểu thịt tươi" - hình tượng bảnh bao, mảnh dẻ giống như các idol Hàn Quốc. Theo cố vấn, tình trạng này có thể trở thành "mối đe dọa tới sự phát triển quốc gia".
Đề xuất của Bộ Giáo dục lập tức nhận về làn sóng chỉ trích từ dư luận. Nhiều người bàng hoàng khi cơ quan quản lý giáo dục hàng đầu quốc gia "công khai phân biệt giới tính".
Theo Sixth Tone, các hashtag liên quan tới chủ đề trên thu về hơn 240 triệu lượt xem chỉ sau một ngày. "Giáo dục là dạy làm người. Chúng ta không nên truyền tải tới giới trẻ những định kiến giới như thế", một người dùng Weibo bình luận.
Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ đồng tình với quan điểm nam giới ngày càng nữ tính. "Bộ Giáo dục đã làm đúng. Đàn ông ngày nay cần tập gym nhiều hơn, chứ không 'ẻo lả' lắm!", một dân mạng tán thành.
Từ lâu, giới chức Trung Quốc luôn dành mối quan tâm đặc biệt tới "khủng hoảng nam tính".
Năm 2020, một bài báo từ Tân Hoa Xã gây nhiều tranh cãi khi cho rằng thuê giáo viên nam sẽ giúp các bé trai "nam tính hơn". Do sự mất cân bằng giới tính trong lĩnh vực giáo dục, nam giới dễ dàng xin việc hơn nữ giới dù trình độ có thể không bằng.
Năm 2019, trang iQiyi bị chỉ trích vì làm mờ khuyên tai của những nghệ sĩ nam tham gia chương trình. Năm 2016, Sixth Tone từng chỉ ra rằng số lượng lớp học dạy bé trai cách cư xử nam tính ngày càng gia tăng.
Nỗ lực đầy lùi nạn "nữ tính hóa" gần đây nhất là việc khuyến khích phái mạnh tăng cường luyện tập thể thao. Tháng 9/2020, Bộ Giáo dục tuyên bố giáo dục thể chất sẽ có vai trò lớn trong kỳ thi tuyển sinh trung học, trở thành môn học chính khóa bên cạnh các bộ môn văn hóa khác.
Thực tế, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại về kết quả từ các biện pháp này. Lu Jidong, Trưởng khoa Giáo dục Thể chất tại ĐH Tài chính - Kinh tế Thượng Hải, cho rằng quan điểm "thể thao giúp đàn ông nam tính hơn" là sai lầm.
"Luyện tập thể thao có tác động tích cực tới sức khỏe thể chất, song 'nữ tính hóa' lại là xu hướng nghiêng về tâm lý. Ví dụ, nhiều người đồng tính nam có sở thích tập gym", ông trả lời Sixth Tone.
Cui Le, sinh viên khoa Giáo dục và Công tác Xã hội tại ĐH Auckland, nhận định quan điểm về "tính nữ" ở nam giới bắt nguồn từ sự phân biệt giới tính.
"Cách tiếp cận giáo dục này chỉ làm sâu sắc định kiến giới, gia tăng nạn bắt nạt dựa vào ngoại hình và xu hướng tính dục. Thay vì khuyến khích nam giới tập gym, giới chức nên nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề giới hơn", anh nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khung-hoang-nam-tinh-o-trung-quoc-post1179262.html