Khủng hoảng năng lượng: EU 'ghi điểm' dù vắng Dòng chảy phương Bắc; ngoài khí đốt, Nga còn đòn bẩy nào không?
Châu Âu ở vị thế thoải mái hơn so với năm trước nhờ mức dự trữ khí đốt cao, giá năng lượng thấp hơn và các nguồn nhiên liệu mới, dù nguồn cung từ Nga vẫn khan hiếm.
Sau nhiều thập niên dựa vào Nga để cung cấp khí đốt giá rẻ, việc nối lại sự phụ thuộc đó trở nên khó xảy ra hơn bao giờ hết sau vụ nổ không rõ nguyên nhân làm ảnh hưởng đến đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) chạy dưới Biển Baltic từ Nga đến Đức.
Theo Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đã chiếm 15% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu vào năm 2021. Trong khi đó, đường ống Dòng chảy phương Bắc thứ hai đã được lên kế hoạch nhưng chưa bao giờ được vận hành.
Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công đường ống, giá khí đốt ở châu Âu cao gấp ba lần so với trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bắt đầu và các ngành công nghiệp phải cắt giảm sản lượng để giảm lượng tiêu thụ khí đốt.
Vượt khủng hoảng năng lượng ngoạn mục
Hiện giờ, giá khí đốt đã thấp hơn nhiều. Tiêu chuẩn khí đốt châu Âu hợp đồng tháng 8 trên Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu Hà Lan đang giao dịch ở mức khoảng 40 Euro, so với mức 180 Euro một năm trước.
Ủy viên năng lượng Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson nói với Reuters: "Rủi ro lớn nhất của chúng tôi là Nga có thể thao túng thị trường năng lượng. Tuy nhiên, họ không còn có đòn bẩy này nữa".
Bà cho biết, khối này đã nhanh chóng tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế năng lượng Nga.
Theo số liệu của EU, trước khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đã gửi khoảng 155 tỷ m3 (bcm) khí đốt tới châu Âu mỗi năm, chủ yếu qua đường ống.
Năm 2022, nhập khẩu khí đốt qua đường ống sang EU giảm xuống còn 60 bcm. Và năm nay, EU dự đoán, mức này sẽ giảm xuống còn 20 bcm.
Theo hãng tin Reuters, đối phó với sự thiếu hụt từ Moscow, đòi hỏi khu vực châu Âu rộng lớn phải giải quyết được cung và cầu.
Về phía nguồn cung, Na Uy đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt qua đường ống lớn nhất của EU. Nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của khối cũng đã tăng mạnh, dẫn đầu là nguồn cung từ Mỹ.
Các đường ống mới vận chuyển khí đốt không phải của Nga đã được mở vào năm ngoái ở Hy Lạp và Ba Lan. Phần Lan, Đức, Italy và Hà Lan cũng mở các trạm nhập khẩu LNG.
Tại Đức - khách hàng lớn nhất của Nga tại châu Âu - chú trọng cơ sở hạ tầng mới .
Để củng cố nguồn cung, EU cùng nhau mua khí đốt không phải của Nga.
Liên minh đưa ra các quy tắc dự phòng, yêu cầu các quốc gia chia sẻ khí đốt với các nước láng giềng trong cuộc khủng hoảng năng lượng. EU cũng đồng ý các nghĩa vụ pháp lý để các quốc gia lấp đầy kho lưu trữ khí đốt.
Trên khắp EU, các cơ sở lưu trữ khí đốt hiện đã đầy 95% - theo dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu. Khi các cơ sở lưu trữ khí đốt đầy, chúng sẽ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt mùa Đông của EU.
Năm ngoái, nhu cầu khí đốt tại khối giảm một phần là do quá trình chuyển đổi năng lượng tích cực hơn.
Châu Âu dự kiến lắp đặt 56 gigawatt (GW) công suất năng lượng tái tạo mới vào năm 2023 - đủ để thay thế khoảng 18 bcm khí đốt trong năm nay. Đặc biệt, trong năm ngoái, thời tiết mùa Đông ôn hòa đã giúp châu Âu vượt khủng hoảng năng lượng.
Bất ổn vẫn còn
Những tháng tới, Gergely Molnar, nhà phân tích khí đốt tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris (Pháp) cho biết, châu Âu đang ở “một nơi khá thoải mái”.
Các nhà phân tích nhận thấy, việc giá khí đốt quay trở lại mức cao kỷ lục từng thấy vào năm ngoái - đạt đỉnh 343 Euro/MWh vào tháng 8/2022 - là khó xảy ra.
Dù vậy, theo các chuyên gia, trên toàn cầu, thị trường khí đốt đang thắt chặt bất thường. Điều này có thể khiến châu Âu phải đối mặt với nguy cơ giá tăng vọt do thời tiết khắc nghiệt hoặc bất kỳ cú sốc nguồn cung nào khác, chẳng hạn như Nga cắt hoàn toàn khí đốt và LNG sang khu vực.
Bất kỳ sự tăng đột biến nào như vậy sẽ làm tăng áp lực lên các chính trị gia khi Anh, Ba Lan và Hà Lan phải đối mặt với các cuộc bầu cử vào năm tới mà ở đó, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt được dự đoán sẽ là vấn đề nổi bật.
Một số nhà phân tích cũng cho rằng, giá năng lượng giảm có thể khiến hoạt động công nghiệp của khối bị thu hẹp vĩnh viễn.
Theo Ngân hàng trung ương Đức, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu dự kiến sẽ thu hẹp trong quý IV/2023, do ngành công nghiệp đang suy thoái.
Energy Aspects ước tính, 8% nhu cầu khí công nghiệp trung bình năm 2017-2021 ở Bỉ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Tây Ban Nha có thể sẽ không còn vào năm 2024.