Khủng hoảng ngân hàng toàn cầu liệu có gây 'nguy hiểm' cho Việt Nam?
Trước cuộc khủng hoàng ngân hàng toàn cầu, câu hỏi đặt ra là liệu ngành Ngân hàng Việt Nam có gặp 'nguy hiểm'? Theo chuyên gia Đại học RMIT, ngành Ngân hàng tại Việt Nam hiện vẫn cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Áp lực hiện tại có thể là một cơ hội tốt để Việt Nam củng cố lĩnh vực tài chính hơn nữa.
Không có nguy cơ phải đóng cửa bất kỳ ngân hàng nào
Sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley, khiến Ngân hàng First Republic (Hoa Kỳ) lung lay và ngành ngân hàng toàn cầu rúng động, tác động đến châu Âu với Credit Suisse và Ngân hàng Deutsche bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng thương mại đã vượt qua cuộc khủng hoảng gần đây mà không bị tổn hại. Tình hình này, với Việt Nam, chỉ là tin tức ở nơi nào đó xa xôi và ảnh hưởng rất ít đến hoạt động kinh doanh thường nhật.
Nhưng liệu các ngân hàng thương mại Việt Nam có đang gặp rủi ro và có khả năng sụp đổ như những gì vừa diễn ra với Ngân hàng Silicon Valley không? Phân tích về điều này, TS. Daniel Borer - quyền chủ nhiệm chương trình kinh doanh toàn cầu, Đại học RMIT (Australia) nhận định, hiện có một vài yếu tố có lợi cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ngành ngân hàng tại Việt Nam hiện không có nguy cơ phải đóng cửa bất kỳ ngân hàng nào.
Thứ nhất, các ngân hàng thương mại Việt Nam nắm giữ ít trái phiếu chính phủ hơn nhiều so với các ngân hàng Mỹ. Bên cạnh đó, Việt Nam đã vượt qua đại dịch nhờ một cộng đồng doanh nghiệp khá lành mạnh vẫn vay vốn ngân hàng cho các dự án kinh doanh của họ, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất nhanh và mạnh như các nước phương Tây, thậm chí còn liên tiếp giảm lãi suất điều hành, lãi suất tái cấp vốn, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hiện tại, mức giảm lãi suất huy động chung của tất cả các tổ chức tín dụng của nền kinh tế khoảng từ 1 - 1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung của các ngân hàng trong cả hệ thống khoảng 0,5 - 0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn. Tính trung bình phần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại nhà nước giảm từ 1 - 1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5 - 2%.
Theo TS. Daniel Borer, trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để giảm lãi suất nhiều hơn, do tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam không tăng nhanh như các nước khác. Vì vậy, ngay cả nếu các ngân hàng thương mại Việt Nam nắm giữ trái phiếu, họ sẽ chịu thiệt hại ít hơn rất nhiều. Ngoài ra, trong khi trái phiếu Chính phủ Mỹ có thể có thời gian đáo hạn lên đến 30 năm thì trái phiếu chính phủ Việt Nam thường đáo hạn chỉ sau 3 - 5 năm.
Bên cạnh đó, trong quá khứ, các cuộc khủng hoảng ngân hàng, bao gồm cả cuộc khủng hoảng lớn vào năm 2012 đã khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt các quy định giúp ngành ngân hàng tại Việt Nam ổn định hơn. Ngoài ra, một số bên cho vay hiện đã tuân thủ theo các quy định ngân hàng chuẩn mực quốc tế như Basel III. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần thể hiện rằng sẽ can thiệp và đưa ra giải pháp lập lại trật tự với bất kỳ ngân hàng thương mại nào có dấu hiệu gặp nguy hiểm.
Áp lực hiện tại là cơ hội tốt để củng cố lĩnh vực tài chính hơn nữa
Phân tích thêm về tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng lên thị trường tài chính Việt Nam, TS. Daniel Borer nhận định, trong khi các ngân hàng thương mại Việt Nam có thể không gặp rủi ro, nhưng lĩnh vực bất động sản lại đang bị rung chuyển do lãi suất tăng, khiến tình hình trở nên căng thẳng.
Hơn nữa, lĩnh vực tài chính Việt Nam thường là ngắn hạn. Hầu hết các công ty chỉ có thể đầu tư thông qua tín dụng ngắn hạn. Khi các khoản này đáo hạn, họ cần tái cấp vốn với lãi suất cao hơn bình thường, gây áp lực lên cơ cấu chi phí của họ. Tín dụng dài hạn sẽ giúp củng cố sức mạnh tài chính cho các tập đoàn và hơn thế nữa, còn cho toàn bộ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, một áp lực khác là nợ khó đòi. TS. Daniel Borer phân tích, để ứng phó với đại dịch, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại bớt khắt khe hơn với nợ xấu. Điều này cho phép các ngân hàng thương mại không phải xóa nợ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Nhưng trong khi một số doanh nghiệp đã phục hồi, nhiều ngân hàng vẫn còn khoản nợ xấu đáng kể.
Theo vị chuyên gia của Đại học RMIT, nhìn chung, dẫu ngành ngân hàng tại Việt Nam hiện không có nguy cơ phải đóng cửa bất kỳ ngân hàng nào, áp lực hiện tại có thể là một cơ hội tốt để củng cố lĩnh vực tài chính hơn nữa. Cho phép các công ty bắt tay vào các dự án dài hạn và không phải bận tâm về việc tái cấp vốn nợ trong thời gian ngắn sẽ là một bước đi đúng hướng.
Ngoài ra, TS. Daniel Borer còn cho rằng, trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, giải phóng dòng vốn sẽ giúp thị trường vốn Việt Nam hấp dẫn hơn đối với vốn nước ngoài.
“Dù điều này có vẻ đi ngược lại quan niệm thông thường, nhưng cho phép tiền chảy ra khỏi đất nước sẽ dẫn đến dòng vốn rót vào cao hơn vì các nhà đầu tư quốc tế được đảm bảo rằng họ có thể thu hồi vốn nếu cần” - TS. Daniel Borer lý giải.
Có thể tiếp tục giảm lãi suất từ nay tới cuối năm
Tại họp báo Chính phủ ngày 5/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo, định hướng, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm...