Khủng hoảng nhà đất kéo dài, kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể 'vực dậy'

Theo Bloomberg, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục đà giảm trong tháng 11. Doanh số bán xe và nhà chậm lại do cuộc khủng hoảng nhà đất kéo dài.

Xuất khẩu phục hồi đã giúp Trung Quốc bù đắp phần nào sự sụt giảm trong ngành bất động sản. Theo khảo sát của Standard Chartered Plc, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cho các nhà sản xuất nhỏ tại Trung Quốc đã tăng vọt trong tháng 11.

Cũng theo khảo sát, các công ty xuất khẩu Trung Quốc kỳ vọng doanh số, sản lượng và đơn hàng mới sẽ tăng nhanh hơn trong 3 tháng tới. Tuy vậy, khảo sát chỉ ra rằng nhu cầu trong nước đã lao dốc.

Những tín hiệu xấu

Khủng hoảng nhà đất kéo dài khiến nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể “vực dậy” . Ảnh: Getty Images.

Chỉ số phụ theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng. Nguyên nhân là tăng trưởng sản xuất và đơn hàng mới giảm tốc, mặc dù số lượng đơn hàng xuất khẩu mới phục hồi mạnh mẽ.

Dự trữ thép cây đang ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2021 do sản lượng thép và xây dựng tiếp tục chững lại. Việc dự trữ thấp vốn là một dấu hiệu tốt cho nền kinh tế, vì điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu xây dựng tăng cao. Dù vậy, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã hạn chế các hoạt động xây dựng và thị trường sản xuất kim loại.

“Bom nợ” hơn 300 tỷ USD của China Evergrande đã phơi bày những lỗ hổng trong một ngành công nghiệp phát triển nóng như bất động sản, về việc sử dụng đòn bẩy quá mức, đối mặt với nhu cầu chậm lại và hiện đang chật vật để thanh toán các hóa đơn.

Giới quan sát dự đoán, Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản trong năm 2022, và thậm chí còn hơn thế nữa. Các ngân hàng như Goldman Sachs Group Inc., Nomura Holdings Inc. và Barclays Plc đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh đang tỏ ra rất nghiêm túc khi tuyên bố rằng khác với các đợt suy thoái trước đây, họ sẽ ngừng sử dụng lĩnh vực bất động sản để kích thích nền kinh tế.

Các quan chức Bắc Kinh cho rằng nguồn cung nhà ở dư thừa chính là mối đe dọa lớn đối với ổn định nền kinh tế. Họ bày tỏ mong muốn đẩy mạnh đầu tư vào những lĩnh vực như sản xuất công nghệ cao, thay vì nhà đất như trước đây.

Ông Rob Subbaraman, nhà kinh tế trưởng của Nomura, dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ 7,1% trong năm nay xuống 4,3% vào năm 2022.

“Điều đó có thể làm giảm tăng trưởng GDP thế giới khoảng 0,5 điểm phần trăm. Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ hy sinh tăng trưởng ngắn hạn để có được sự ổn định lâu dài hơn”, ông Subbaraman nhận định.

Tiêu dùng sụt giảm cũng là một thách thức khác đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Với chiến lược “Zero-Covid” của chính quyền Bắc Kinh, các hạn chế nghiêm ngặt đã khiến người tiêu dùng e ngại, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa.

“Nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược ‘Zero-Covid’, hoặc lĩnh vực bất động sản giảm sâu hơn, tăng trưởng GDP năm 2022 có thể giảm xuống 4%”, ông Tao Wang, nhà kinh tế trưởng tại UBS AG, cảnh báo.

Chưa tung gói kích thích kinh tế

Ngành bất động sản và những ngành liên quan chiếm đến khoảng 30% GDP của Trung Quốc. Do đó, những rắc rối của ngành công nghiệp này có thể tạo ra những sức ép lớn đối với tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) được kỳ vọng sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giải phóng thêm tiền để các ngân hàng cho vay, trước cuối năm nay. Ảnh: SCMP.

Các hoạt động xây dựng đã góp phần vào sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch. Song, trong bối cảnh Bắc Kinh thắt chặt việc cho vay đối với các nhà phát triển địa ốc, lĩnh vực này chao đảo. Những nhà phát triển nợ nần như China Evergrande trượt tới bờ vực sụp đổ.

Phần lớn nguồn tiền của các nhà phát triển địa ốc Trung Quốc đến từ việc bán trước căn hộ cho khách hàng. Khi hoạt động cho vay thế chấp bị thắt chặt, sự bi quan lan rộng khắp thị trường, khiến doanh số bán nhà giảm mạnh.

Tuần này, Bắc Kinh đã kêu gọi các chính quyền địa phương đẩy mạnh việc bán trái phiếu và sử dụng tiền như một công cụ thúc đẩy cơ sở hạ tầng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng.

Giá quặng sắt đã tăng cao trong những ngày qua với động lực là kỳ vọng nhu cầu và sản lượng thép sẽ phục hồi vào cuối năm. Tuy nhiên, các chính quyền địa phương vẫn chật vật tìm dự án tốt để đầu tư trong năm nay.

Đến nay, ngân hàng trung ương và các chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra bất cứ biện pháp kích thích quy mô lớn hay chi tiêu bổ sung nào.

“Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại đáng kể, còn các gói kích thích kinh tế vẫn chưa được tung ra”, các nhà kinh tế Tom Orlik và Bjorn Van Roye của Bloomberg nhận định.

Kinh tế Trung Quốc lao dốc trong khi đang phải đối mặt với một thách thức khác. Đó là lạm phát vẫn còn cao và có thể tăng nhanh hơn nữa.

Theo dữ liệu của Bloomberg Economics, lạm phát tại nhà máy của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát giá than tăng sốc.

Chỉ số giá sản xuất trong tháng 10 đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/1995. Trong khi đà tăng giúp các nhà sản xuất năng lượng và một vài công ty thu lời lớn, điều này cũng làm cho tỷ suất lợi nhuận của những doanh nghiệp khác bị giảm và đồng thời dẫn tới tình trạng thiếu điện.

Hương Vũ (Theo Bloomberg)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khung-hoang-nha-dat-keo-dai-kinh-te-trung-quoc-van-chua-the-vuc-day-post169314.html