Khủng hoảng nhà ở - hệ lụy đối với nền kinh tế
Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Canada hiện nay là kết quả của nhiều thập kỷ thực hiện chính sách thiếu trách nhiệm từ những năm 1980.
Theo cựu Phó thủ tướng Canada Sheila Copps, cuộc khủng hoảng nhà ở tại Canada hiện nay là kết quả của nhiều thập kỷ thực hiện chính sách thiếu trách nhiệm từ những năm 1980, trong đó chính quyền tỉnh bang được giao phó giải quyết vấn đề này.
Bà Copps cho rằng quyết định loại bỏ vai trò của chính quyền liên bang trong việc xử lý các vấn đề về nhà ở hồi năm 1987 đã dẫn tới sự thiếu sự quan tâm xây dựng nhà ở trong suốt 30 năm. Ngoài ra, việc không thực hiện nghiên cứu và phân tích các chính sách công tốt về nhà ở những năm qua cũng là một vấn đề lớn.
Bà này cho rằng việc Tập đoàn nhà ở và cho vay thế chấp của Canada tham gia xây dựng nhà ở là thể hiện sự đầu tư đáng kể ở cấp quốc gia vào vấn đề nhà ở cũng như chính sách và chiến lược về nhà ở tại Canada.
Chính sách về nhà ở trong những năm 1970 đã cho thấy sự tham gia trực tiếp hơn của Chính phủ liên bang vào vấn đề nhà ở, trong đó gồm cả việc phát triển nhà ở cho người cao tuổi và người bản địa. Điều này đã thay đổi kể từ những năm 1980 khi chính quyền các tỉnh bang tiếp quản chính sách này.
Bà Coops nhận xét rằng mặc dù có một số nơi như Quebec có quan tâm phân bổ kinh phí cho nhà ở xã hội, nhưng một số khác thì chưa làm điều này. Họ tiếp nhận tiền dành cho việc phát triển nhà ở, nhưng lại không thực sự chi cho vấn đề đó.
Cho tới năm 2017, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau mới lại quyết định quay trở lại với "cuộc chơi về nhà ở" và do vậy cần phải có thời gian để giải quyết các vấn đề thiếu hụt nguồn cung cũng như khả năng chi trả cho nhà ở đang diễn ra ở khắp các thành phố trên cả nước.
Báo cáo của Hiệp hội bất động sản Canada cho biết giá nhà trung bình trên toàn quốc hiện là trên 700.000 CAD (khoảng 517.000 USD), tăng gần gấp đôi so với mức 400.000 CAD hồi năm 2015 khi Đảng Tự do lần đầu tiên lên nắm quyền.
Chi phí thế chấp đã tăng vọt sau một loạt đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Ngân hàng trung ương Canada để đối phó với lạm phát tăng phi mã. Giá thuê nhà cũng tăng chóng mặt, thậm chí là ở mức hai con số tại một số thành phố lớn.
Theo báo cáo của Trung tâm giải pháp thay thế chính sách, tiền thuê nhà đang vượt xa mức thu nhập tối thiểu của người dân ở mọi tỉnh bang, khiến những người thu nhập thấp khó có thể chi trả cho nhà ở. Nguồn cung nhà "xã hội" cho thuê của Canada chỉ chiếm 4% trong tổng số nhà ở năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 7% của các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Bà Copps cho rằng ngoài việc tăng tốc xây dựng để tăng thêm nguồn cung, chiến lược nhà ở hiện nay cũng cần đưa ra các chính sách khuyến khích di cư ra khỏi các khu vực và thành phố đông dân ở Canada. Đại dịch COVID-19 đã có chúng ta bài học kinh nghiệm về việc không nhất thiết phải sống tập trung ở nơi đông đúc.
Tập đoàn nhà ở và cho vay thế chấp ước tính Canada phải xây dựng khoảng 5,8 triệu đơn vị tới năm 2030 mới có thể cân bằng được khả năng chi trả cho người dân. Với tốc độ xây dựng hiện nay do thiếu nguồn nhân lực, đất nước này chỉ có thể hoàn thành được 2,3 triệu đơn vị để thêm vào kho nhà ở cho tới thời điểm trên.
Một số chuyên gia cho rằng Chính phủ Canada có thể thực hiện một số điều trong phạm vi quyền hạn của mình như điều chỉnh chính sách nhập cư, cải cách chính sách nhà ở và luật thuế để khuyến khích phát triển nhà cho thuê hoặc khuyến khích các chính quyền địa phương xúc tiến xây dựng nhà ở nhanh hơn.
Việc cải tổ Nội các gần đây của Thủ tướng Trudeau được cho là dấu hiệu của sự ưu tiên cho chính sách nhà ở khi ông này lựa chọn gương mặt mới Sean Fraser đảm nhận vị trí Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Cộng đồng./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khung-hoang-nha-o-he-luy-doi-voi-nen-kinh-te/305202.html