Khủng hoảng nhà ở tại Australia
Cuộc khủng hoảng chi phí nhà ở tại Australia đang dần trở thành nhân tố chính đe dọa vị thế lãnh đạo của chính quyền Thủ tướng Anthony Albanese trong kỳ bầu cử tới.
Theo Nikkei Asia, vào hôm 19/6, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã gặp phải thất bại lớn sau khi dự luật trọng tâm nhằm đối phó với một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất trên thế giới của ông bị Quốc hội tạm hoãn thông qua.
Các chuyên gia chính trị tin rằng thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí bất động sản của Australia có thể khiến chính quyền của Thủ tướng Albanese phải trả giá đắt - giống như cách mà người tiền nhiệm của ông thất bại trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Theo đó, đảng Tự do có thiên hướng trung hữu của cựu Thủ tướng Scott Morrison đã mất đi nhiều địa bàn quan trọng trong cuộc bầu cử liên bang năm 2022 vào tay các ứng viên động lập có quan điểm tập trung vào chính sách khí hậu.
Khoảng một trong 3 cử tri bỏ phiếu cho các đảng nhỏ hoặc ứng viên độc lập trong cuộc bầu cử vào năm ngoái.
"Đó là lần đầu tiên trong hàng thập kỷ 2 đảng chính tại Australia có tỷ lệ phiếu ủng hộ thấp như vậy. Tôi nghĩ xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục (trong kỳ bầu cử tới)", Kosmos Samaras, nhà hoạch định chiến lược chính trị và chuyên gia khảo sát của công ty Redbridge Group, nhận định.
"Vấn đề mà phần lớn các đảng chính trị sẽ phải đối mặt chính là khoảng thời gian dài để xây dựng thêm nhà ở. Trong khoảng thời gian giữa 2 cuộc bầu cử, tình hình không có nhiều tiến triển", ông bổ sung.
Thất bại lớn của chính quyền Thủ tướng Albanese
Đảng Lao động trung tả của ông Albanese đã cam kết đầu tư 6,8 tỷ USD vào quỹ đầu tư quốc gia Australia, sử dụng khoản tiền lãi mỗi năm để cung cấp khoảng 340 triệu USD mỗi năm cho các dự án nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ ở nước này.
Bên cạnh đó, chính phủ của Thủ tướng Albanese trong cuối tuần qua đã đề xuất việc chi trực tiếp khoản tiền 1,35 tỷ USD vào chương trình nhà ở xã hội của Australia nhằm có được sự ủng hộ của đảng Xanh. Đảng Lao động cần đảng Xanh để thông qua các dự luật tại Thượng viện của nước này.
Nhưng đảng Xanh, có thiên hướng chính trị tiến bộ hơn đảng Lao động, đã bác bỏ dự luật hiện tại của chính quyền Thủ tướng Albanese. Đảng này cho biết chính quyền của nhà lãnh đạo Australia không dành đủ sự quan tâm cho người đi thuê nhà - chiếm 1/3 các hộ gia đình ở quốc gia châu Đại Dương.
Bên cạnh đó, đảng Xanh cũng nhận thấy tổ chức này có cơ hội giành được một số khu vực bầu cử của đảng Lao động nhờ vấn đề này. Đảng này đã bắt đầu vận động bầu cử tại nhiều khu vực ở Australia, nơi tổ chức này nghĩ rằng chính phủ dễ bị tổn thương trước cuộc bầu cử tiếp theo - dự kiến diễn ra trong năm 2025.
Vào hôm 19/5, đảng Xanh đã dẫn đầu nghị quyết tạm hoãn dự luật của ông Albanese cho đến tháng 10 sau khi chính phủ Australia bác bỏ lời kêu gọi tạm hoãn việc thanh toán tiền thuê nhà trên toàn quốc của đảng này.
"Đảng Lao động có trách nhiệm giải quyết tình trạng chi phí thuê nhà tăng cao nếu họ muốn thông qua đạo luật về nhà ở", lãnh đạo đảng Xanh Adam Bandt cho biết.
Vấn đề nan giải
Sở hữu nhà ở từ lâu đã được coi là "giấc mơ vĩ đại của người Australia". Nhưng điều này ngày càng trở nên khó khăn đối với thế hệ trẻ. Vào năm 1971, khoảng 64% người Australia ở độ tuổi 30-34 sở hữu nhà ở riêng. Vào năm 2021, tỷ lệ sở hữu nhà ở của cùng nhóm người này đã giảm xuống còn 50%, theo kết quả khảo sát dân số của chính phủ Australia.
Hai thành phố đông dân nhất của Australia, Sydney và Melbourne, nằm trong số 5 thị trường nhà ở đắt đỏ nhất trên thế giới. Theo Báo cáo Chi phí Nhà ở Quốc tế mới nhất, chỉ đặc khu hành chính Hong Kong là có chi phí mua nhà cao hơn Sydney.
Theo chuyên gia kinh tế của công ty tài chính AMP, Diana Mousina, không có giải pháp đơn giản nào để khắc phục tình trạng giá bất động sản cao ở Australia.
Theo vị chuyên gia này, giá nhà ở được thúc đẩy bởi các nhượng bộ về thuế mà chính phủ Australia dành cho các nhà phát triển bất động sản cũng như sự trì hoãn trong quá trình cấp phép xây dựng.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác là chủ nghĩa "NIMBYism" (không phải ở sân sau nhà tôi) - chỉ tâm lý thù địch của một số người với các dự án xây dựng. Bà Mousina cũng nhận định rằng số người nhập cư cao kỷ lục sau đại dịch cũng khiến chi phí thuê nhà tăng cao.
"Chính sách nhà ở xã hội mà chính phủ muốn thông qua là một biện pháp tích cực nhằm giải quyết tình trạng thiếu chỗ ở. Tuy nhiên, tôi không nghĩ điều này sẽ giải quyết hoàn toàn vấn đề chi phí nhà ở của Australia", vị chuyên gia kinh tế cho biết.
Samaras, từng là nhà hoạch định chiến lược tranh cử của đảng Lao động trong gần 15 năm, dự báo rằng đảng này sẽ gặp rắc rối lớn khi hơn 600.000 chủ nhà chuyển từ việc trả mức thế chấp cố định sang trả khoản lãi suất lớn hơn trong 3 tháng tới.
Nhà phân tích này nhận định tỷ lệ nợ thế chấp quá hạn tăng cao sẽ tạo ra phản ứng từ các cử tri là người thuê nhà, đối tượng phải chịu phần lớn chi phí tăng thêm. Việc trì hoãn áp dụng các hành động giải quyết vấn đề nhà ở tại Australia sẽ càng làm xói mòn sự ủng hộ của đảng Lao động.
"Nếu chi phí thuê nhà tiếp tục tăng theo cấp số nhân và khả năng tiếp cận nhà ở suy giảm, vấn đề này sẽ trở thành yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến lá phiếu của người dân. Đảng Lao động sẽ cần phải thuyết phục những người này rằng họ đang cố gắng giải quyết vấn đề", Samaras cho biết.
"Cử tri không hy vọng sẽ có phép màu, nhưng họ muốn được chính phủ bảo vệ", ông bổ sung.
Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/khung-hoang-nha-o-tai-australia-post1441833.html