Khủng hoảng nhân đạo sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2024

Ngày 14/12, Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) cho biết trong một báo cáo, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang ngày càng trầm trọng, nợ nần ngày càng tăng và sự hỗ trợ quốc tế giảm sút sẽ đẩy nhanh các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới vào năm 2024.

Trong Danh sách theo dõi khẩn cấp năm 2024, IRC đã chỉ ra 20 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi, có nguy cơ cao nhất về tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ vào năm tới. Sudan đứng đầu trong danh sách theo dõi khẩn cấp của IRC, tiếp theo là các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine và Nam Sudan.

Công dân Afghanistan tại cửa khẩu biên giới Torkham giữa Pakistan và Afghanistan, ngày 14/11/2023. (Ảnh: IRC)

Công dân Afghanistan tại cửa khẩu biên giới Torkham giữa Pakistan và Afghanistan, ngày 14/11/2023. (Ảnh: IRC)

Báo cáo được đưa ra sau khi số người cần viện trợ nhân đạo trong năm nay tăng lên 300 triệu người trong khi số người buộc phải rời bỏ nhà cửa tăng vọt lên 110 triệu người.

Giám đốc IRC David Miliband cho biết trong một tuyên bố: “Đây là thời điểm tồi tệ nhất”, đồng thời kêu gọi chú trọng hơn vào việc thích ứng với khí hậu, trao quyền cho phụ nữ, hoạt động ngân hàng “vì con người là trên hết”, hỗ trợ những người phải di dời.

IRC cho biết 20 vùng lãnh thổ này chiếm khoảng 10% dân số thế giới nhưng lại chiếm tới 86% nhu cầu nhân đạo toàn cầu, 70% số người phải di dời và tỷ lệ ngày càng tăng những người phải đối mặt với tình trạng nghèo đói cùng cực và rủi ro khí hậu.

Sudan, quốc gia không được đưa vào danh sách năm ngoái, hiện tại lại đứng đầu danh sách vì những xung đột trong nước quy mô lớn thu hút sự chú ý của quốc tế, trong khi lãnh thổ Gaza của Palestine được coi là “nơi nguy hiểm nhất đối với dân thường trên toàn thế giới” trong thời điểm chuẩn bị bước sang năm 2024.

Trong khi một số quốc gia châu Phi đạt được sự cải thiện nhanh chóng về mức sống thì xung đột, đảo chính và nghèo đói vì biến đổi khí hậu đang gia tăng ở mức "báo động" ở một số quốc gia, IRC cho biết,.

Ecuador - quê hương của nhiều người tị nạn Venezuela - lần đầu tiên lọt vào danh sách do tội phạm bạo lực gia tăng, mà chính phủ nước này cho rằng phần lớn là buôn bán ma túy, làm trầm trọng thêm sự sa sút kinh tế từ đại dịch và rủi ro khí hậu.

Trong khi đó ở Haiti, IRC chỉ ra rằng gần một nửa dân số đang cần viện trợ nhân đạo và cho biết những nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm giúp cảnh sát chống lại các băng nhóm vũ trang hùng mạnh nhằm cải thiện điều kiện sống trong năm tới ở nước này là "khó có thể xảy ra".

Hồng Anh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/khung-hoang-nhan-dao-se-tro-nen-toi-te-hon-vao-nam-2024-409549.html