Khủng hoảng ở biên giới Belarus - Ba Lan: EU gặp khó
Những gì đang diễn ra ở biên giới Belarus - Ba Lan cho thấy câu chuyện người di cư đã và đang là vấn đề nhức nhối của Liên minh châu Âu (EU).
Biên giới Belarus - Ba Lan đã trở thành tâm điểm của châu Âu những ngày vừa qua, sau khi hàng chục nghìn người di cư Trung Đông mắc kẹt tại khu vực này. Họ đối mặt với tình trạng thiếu thốn lương thực, thuốc men, nơi ở và tính mạng thường xuyên bị đe dọa.
Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) chưa thể tìm ra câu trả lời cho bài toán cấp bách này. Tại sao lại như vậy?
Hai kịch bản
Trước hết, Ba Lan, Lithuania và Latvia cùng EU cáo buộc Belarus đã đưa người di cư tới khu vực biên giới nhằm gây ra một cuộc khủng hoảng di cư mới, đáp trả lệnh trừng phạt của EU với chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen nhận định cùng với lời đe dọa về cắt giảm năng lượng tới châu Âu, Minsk đang triển khai “chiến tranh hỗn hợp” với EU. Đâu là câu trả lời của EU?
Đầu tiên, trong trường hợp EU quyết định tiếp nhận người di cư, khối có thể đối mặt với phản ứng mạnh từ phía Ba Lan và các nước Đông Âu, vốn có lập trường cứng rắn trong vấn đề này.
Ngay sau khi số lượng người tại biên giới với Belarus tăng đột biến, Warsaw đã nhanh chóng điều động 20.000 binh sĩ và cảnh sát tới đây, ban bố tình trạng khẩn cấp để ngăn người di cư tràn vào lãnh thổ. Thậm chí, ngày 15/11, Bộ Nội vụ Ba Lan tuyên bố sẽ chi 407 triệu USD để xây dựng bức tường dài 180 km dọc biên giới để ngăn dòng người di cư, dự kiến hoàn tất vào đầu năm sau.
Ngày 15/11, Latvia, thành viên khác của EU, triển khai 3.000 binh sĩ tập trận gần biên giới với Belarus từ ngày 13/11-12/12. Phát biểu với truyền thông, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks nói: “Chúng tôi không loại trừ khả năng một phần của những nhóm (di cư) này sẽ di chuyển xa hơn về phía Bắc và có thể đến biên giới Latvia. Chúng tôi đã sẵn sàng cho điều đó”.
Ba Lan đã nhiều lần phản đối hạn ngạch phân bổ người di cư của EU, thậm chí còn đóng cửa biên giới và từ chối tiếp nhận, đối xử với người di cư theo quy chuẩn chung của khối. Động thái cứng rắn của nước này trước dòng người di cư cho thấy quan hệ giữa Warsaw và phần còn lại của khối sẽ rạn nứt nghiêm trọng. Thậm chí, nếu EU buộc Ba Lan nhận người di cư, Polexit có thể xảy ra.
Đây là điều EU không hề mong muốn bởi nó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới đoàn kết nội khối, vốn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sự kiện Brexit và chia rẽ về lợi ích giữa các nước thành viên, trong bối cảnh nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel, chuẩn bị từ giã chính trường Berlin và châu Âu.
Trong trường hợp EU quyết định tiếp nhận người di cư, khối có thể đối mặt với phản ứng mạnh từ phía Ba Lan và các nước Đông Âu, vốn có lập trường cứng rắn về vấn đề này.
Thêm vào đó, kịch bản này có thể tác động tiêu cực tới vị thế của EU trong quan hệ với Belarus, đặc biệt sau khi khối vừa áp đặt thêm một đợt trừng phạt với hàng loạt quan chức và công ty thuộc chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko. Từ đó, Minsk sẽ coi sự thỏa hiệp của châu Âu là một chiến thắng và có thể triển khai thêm các chính sách gây áp lực để dỡ bỏ trừng phạt hiện nay.
Đáng ngại hơn, nó có thể để lại tiền lệ xấu cho các quốc gia láng giềng khác mong muốn tìm kiếm lợi ích từ EU thông qua sự nhượng bộ của khối trong vấn đề người di cư.
Tuy nhiên, kịch bản từ chối tiếp nhận người di cư ở biên giới Belarus - Ba Lan cũng để lại nhiều hệ quả không mong muốn với EU. Quyết định này có thể phù hợp với xu thế chung tại nhiều nước châu Âu trong vấn đề người di cư.
Song mặt khác, nó sẽ tác động tiêu cực tới hình ảnh EU, đi ngược lại giá trị về quyền con người phương Tây nói chung và châu Âu nói riêng hằng theo đuổi.
Một lối ra
Trong bối cảnh đó, giải pháp được châu Âu nói riêng và các bên nói chung lựa chọn là cố gắng đưa người di cư hồi hương. Hiện phương án này được coi là biện pháp khả thi nhất với sự vào cuộc của Iraq, quê hương của phần lớn người di cư đang mắc kẹt tại biên giới Belarus - Ba Lan.
Theo Bộ Ngoại giao Iraq, ngày 18/11, Baghdad sẽ điều chuyến bay đầu tiên tới biên giới Belarus - Ba Lan để hồi hương công dân tìm cách vào châu Âu. Tuần qua, nước này đã tạm dừng các chuyến bay thẳng tới Belarus liên quan đến khủng hoảng người di cư. Đại sứ quán Iraq tại Moscow và Warsaw đang phối hợp hồi hương công dân ở biên giới Belarus - Ba Lan có nguyện vọng về nước.
Hiện đề xuất này vẫn nhận được sự ủng hộ của Belarus. Ngày 11/11, trả lời về khả năng Belarus đàm phán vấn đề hồi hương người di cư với EU và Liên hợp quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz nêu rõ: “Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau để giải quyết bất kỳ vấn đề nào, kể cả vấn đề nhạy cảm. Nếu cần, chúng tôi sẵn sàng nhắc lại quan điểm này một lần nữa”.
Tuy nhiên, theo Warsaw, dù nhiều người di cư đã tình nguyện hồi hương, song còn tới 4.000 người, hầu hết mắc nợ vì vay tiền sang châu Âu, vẫn tập trung ở biên giới để tới Ba Lan. Kết quả của lựa chọn trên cũng phụ thuộc vào quá trình triển khai và sự phối hợp bất đắc dĩ giữa Belarus và EU, vốn chưa bao giờ êm đềm.
Khủng hoảng di cư biên giới Belarus - Ba Lan, vì thế vẫn là bài toán nan giải với EU thời gian tới.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-o-bien-gioi-belarus-ba-lan-eu-gap-kho-165215.html