Khủng hoảng Romania, thách thức với EU

Trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với những biến động chính trị liên tiếp, cuộc khủng hoảng mới nổ ra ở Romania một lần nữa trở thành tâm điểm của sự chú ý khi phản ánh những bất ổn nghiêm trọng ẩn chứa bên trong hệ thống chính trị của đất nước này cũng như của châu Âu nói chung.

Bối cảnh cuộc khủng hoảng

Tổng thống Romania, ông Klaus Iohannis đã tuyên bố từ chức vào ngày 12/2/2025, sau khi chịu áp lực từ các nhóm đối lập. Sự kiện này nối tiếp chuỗi khủng hoảng chính trị tại Romania, 2 tháng sau khi Tòa án Tối cao hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống tại quốc gia này.

Tổng thống Klaus Iohannis đánh mất sự ủng hộ sau quyết định của tòa án.

Tổng thống Klaus Iohannis đánh mất sự ủng hộ sau quyết định của tòa án.

“Để Romania thoát khỏi khủng hoảng, tôi từ chức tổng thống”, ông Iohannis tuyên bố trong bài phát biểu cuối cùng của mình trên cương vị người đứng đầu đất nước.

Ông Iohannis, 65 tuổi, đã giữ chức tổng thống 2 nhiệm kỳ liên tiếp kể từ năm 2014. Nhưng, nhiệm kỳ tổng thống của ông đã được gia hạn vào tháng 12/2024 sau khi Tòa án Hiến pháp hủy bỏ cuộc đua tổng thống ngay trước vòng bầu cử thứ hai dự kiến diễn ra ngày 8/12/2024, sau khi có cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử. Quyết định hủy bỏ cuộc bầu cử đã gây ra sự chia rẽ trong dư luận Romania.

Những người ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cầm quyền của Tổng thống Iohannis ủng hộ quyết định này, trong khi những người ủng hộ các ứng cử viên bị loại, như bà Elena Lasconi đến từ đảng đối lập Liên minh cứu Romania (USR) và ứng viên độc lập có tư tưởng dân tộc cực hữu Călin Georgescu, bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ.

Ông Georgescu, người đã dẫn đầu cuộc đua ở vòng 1 gọi quyết định này là một "cuộc đảo chính hợp pháp hóa". Bà Lasconi, người xếp ngay sau ông Georgescu để được vào vòng 2 thì cho rằng đó là quyết định "bất hợp pháp và vô đạo đức". Quyết định này đã tạo nên làn sóng phản đối trong dư luận cũng như gây hỗn loạn nền chính trị Romania, vốn được coi là tương đối ổn định dưới sự cầm quyền của đảng PSD trong thời gian dài.

Tuy nhiên, sự thất bại của PSD trong cuộc bầu cử vừa qua không phải tự nhiên mà đến. Trong suốt những năm gần đây, Romania phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nội bộ: từ tham nhũng lan rộng, bất bình đẳng kinh tế cho đến sự mất niềm tin của người dân vào các cơ quan nhà nước. Báo cáo của Viện Nghiên cứu chính sách Đông Âu (EPCI), trong giai đoạn 2019-2024, mức độ tham nhũng và lãng phí tài chính công đã tăng trung bình 22%, đồng thời tỷ lệ tin tưởng vào các cơ quan chính quyền giảm từ 48% xuống còn 31%. Thống kê từ Cơ quan Kiểm toán quốc gia Romania, trong năm 2024 có tới 67% dự án đầu tư công bị phát hiện vi phạm quy định, dẫn đến tổn thất ước tính khoảng 1,2 tỷ euro. Tăng trưởng GDP của Romania trong năm 2024 chỉ đạt 1,8% (thấp hơn mức trung bình châu Âu là 2,5%). Trong khi đó, quan hệ đối tác kinh tế với các quốc gia láng giềng cũng gặp nhiều khó khăn. Uớc tính đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) giảm 12% so với năm trước, một con số cho thấy dấu hiệu về sự mất đi niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Romania.

Những cuộc biểu tình trên diện rộng đã thách thức giá trị dân chủ của chính quyền Romania.

Những cuộc biểu tình trên diện rộng đã thách thức giá trị dân chủ của chính quyền Romania.

Bà Elena Popa, chuyên gia phân tích chính sách công tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu, chia sẻ: “Hệ thống tư pháp yếu kém chính là mắt xích trống trong cơ cấu chính trị của Romania. Khi những cơ chế giám sát thất bại, không chỉ sự tham nhũng được nuôi dưỡng mà cả niềm tin của người dân vào nền dân chủ cũng bị lung lay”. Vì thế, quyết định của tòa án đã làm bùng lên ngọn lửa giận dữ trong dư luận. Các cuộc biểu tình diễn ra liên tục khắp các thành phố lớn. Dù tuyên bố từ chức của ông Iohannis đưa ra khá bất ngờ nhưng nó là hệ quả tất yếu của một chuỗi thất bại của đảng cầm quyền.

Hệ lụy nghiêm trọng

Quyết định từ chức của Tổng thống Iohannis là bước ngoặt trong lịch sử chính trị của Romania, biểu hiện rõ nét của một hệ thống đang chìm trong khủng hoảng. Ông Iohannis từng giành được sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội khiến người ta lầm tưởng việc tiếp tục để ông nắm quyền sẽ đảm bảo sự ổn định cho đất nước. Nhưng, họ đã lầm, quyết định của tòa án đã phủ bóng đen lên sự nghiệp chính trị của tổng thống khi những người phản đối ông cho rằng đảng PSD cầm quyền đã “lạm dụng quyền lực” nhằm ngăn chặn các lực lượng đối lập. Sau quyết định từ chức của ông Iohannis, nhiều nhà phân tích dự đoán sẽ dẫn đến đợt sóng mới nhằm thay đổi cấu trúc chính trị, đi kèm với việc đòi hỏi một cuộc cải tổ toàn diện từ cơ chế hành chính đến hệ thống tư pháp.

Lá cờ EU từng giúp chính quyền Romania đứng vững giờ cũng đã lung lay.

Lá cờ EU từng giúp chính quyền Romania đứng vững giờ cũng đã lung lay.

Các đảng phái chính trị trong nước, dù là phe đối lập hay phe ủng hộ, đều tỏ ra lo ngại về khả năng xảy ra sự hỗn loạn trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu chính trị Romania (RPCI), 68% người dân cho rằng “cuộc khủng hoảng chính trị đang đẩy Romania đến bờ vực của sự sụp đổ hệ thống dân chủ”.

Giáo sư Mircea Ionescu, một nhà phân tích chính trị nổi tiếng tại Đại học Cluj-Napoca, nhận định: “Sự từ chức của Tổng thống Iohannis là kết quả tất yếu của một quá trình tiêu cực kéo dài. Đây không chỉ là vấn đề của một cá nhân, mà là biểu hiện của những bất ổn trong toàn bộ hệ thống chính trị Romania”.

Các chuyên gia đều dự báo sẽ có các cuộc đàm phán nội bộ, nhằm xây dựng một chính phủ chuyển tiếp có khả năng đưa ra những quyết định khẩn cấp để ổn định tình hình. Song song với đó, cuộc bầu cử sớm có thể được tổ chức nhằm tìm kiếm một vị lãnh đạo mới. Nhưng, khi hai ứng viên hàng đầu là ông Georgescu và bà Lascosi đều đang bị áp lệnh cấm tham gia bầu cử của tòa án thì tiến trình này vẫn còn rơi vào bế tắc.

EU đứng trước tình thế khó khăn khi những giá trị mà họ ủng hộ đang trở nên thiếu vững vàng.

EU đứng trước tình thế khó khăn khi những giá trị mà họ ủng hộ đang trở nên thiếu vững vàng.

Đối với châu Âu, cuộc khủng hoảng này cũng không thể xem nhẹ. Ông Iohannis và đảng PSD là những người ủng hộ EU nhiệt thành, thất bại của họ đang làm lung lay quan điểm này. Theo báo cáo của tổ chức chuyên thu thập ý kiến thăm dò Eurobarometer, chỉ số niềm tin vào EU của người dân Romania đã giảm từ 42% xuống còn 27% chỉ trong vòng 3 tháng qua. Con số này phản ánh một xu hướng tiêu cực lan rộng tại nhiều quốc gia khác trong khu vực, vốn cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự về tham nhũng và bất ổn chính trị.

Bà Maria Kovacs, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu châu Âu, cho biết: “Sự kiện ở Romania không chỉ là một bài học về cách thức quản lý quốc gia mà còn là lời cảnh tỉnh cho EU. Nếu các quốc gia thành viên không có các chính sách cải cách đồng bộ, chúng ta có thể sẽ thấy sự lan rộng của làn sóng bất ổn, ảnh hưởng xấu đến khả năng hợp tác và đoàn kết của EU”.

Theo thông tin từ Ủy ban châu Âu, các khoản viện trợ dự kiến dành cho các quốc gia có nguy cơ “mất cân bằng chính trị” trong năm 2025 sẽ tăng 18% so với năm 2024, trong đó Romania được dự kiến nhận hỗ trợ lên tới 350 triệu euro.

Sự thất bại của PSD nối tiếp những thất bại bầu cử trên khắp châu Âu trong thời gian qua của các đảng cầm quyền có quan điểm ủng hộ EU và đứng về phía Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Điều này phản ánh đúng thực tế cuộc sống của người dân châu Âu trong vài năm qua đang ngày càng trở nên khó khăn hơn khi vừa phải hứng chịu tổn thất từ những lệnh cấm vận kinh tế với Nga, vừa phải “thắt lưng buộc bụng” để hỗ trợ tài chính cho Ukraine trong một cuộc xung đột mà phần nhiều trong số họ cho rằng “không liên quan đến mình”.

Thất bại của các đảng cầm quyền tại Pháp, Đức, Hà Lan, Áo, Latvia... và giờ là Romania cho thấy quan điểm này đang ngày càng lung lay. Đáng lo ngại hơn, những vấn đề chính trị mới phát sinh từ Romania như nguy cơ một nhân vật độc lập có tư tưởng cực hữu như ông Călin Georgescu bất ngờ nổi lên và có thể nắm quyền hay việc “can thiệp bầu cử từ bên ngoài” vốn rất nhạy cảm đang hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Đây là những lời cảnh tỉnh nghiêm trọng cho hệ thống bầu cử dân chủ mà EU theo đuổi.

Với những ứng viên cực hữu hay các đảng có xu hướng chống lại EU như USR gia tăng ảnh hưởng tại Romania sẽ dẫn đến việc nước này thay đổi lập trường đối với các chính sách chung của EU. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng thực thi các chính sách kinh tế và xã hội, gây khó khăn cho việc duy trì ổn định trong khối. Với một tổ chức đề cao sự đồng thuận và đoàn kết như EU, “vấn đề” ở Romania sẽ không thể xem nhẹ. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Romania đang để lại câu hỏi lớn về khả năng tồn tại của “nền dân chủ theo kiểu EU” trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Cũng từ những khủng hoảng này, EU có thể rút ra được bài học quý giá để tái cấu trúc hệ thống quản lý và khẳng định giá trị của nền dân chủ mà mình theo đuổi. Cuộc khủng hoảng ở Romania một lần nữa cho thấy rằng, dù ở bất kỳ quốc gia nào, sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và đối thoại mở là những yếu tố sống còn để duy trì nền dân chủ. Tất nhiên, biết là một chuyện, giải quyết được hay không lại là hoàn toàn khác.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/khung-hoang-romania-thach-thuc-voi-eu-i759513/