Mỹ từ chối lên án Nga về xung đột với Ukraine
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối đồng bảo trợ nghị quyết của Liên hợp quốc đánh dấu ba năm bùng phát xung đột tại Ukraine trong đó lên án hành động của Nga song vẫn cử đặc sứ tới Kiev để lắng nghe nguyện vọng của Ukraine.
Công khai từ chối lên án Nga
Theo hãng tin Reuters, dự thảo nghị quyết của Liên Hợp Quốc kêu gọi giảm leo thang căng thẳng, sớm chấm dứt các hành động thù địch và giải quyết cuộc chiến tại Ukraine một cách hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Nghị quyết đồng thời tái khẳng định sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan đã được thông qua nhằm đáp trả hành động gây hấn chống lại Ukraine, đặc biệt là yêu cầu Nga ngay lập tức rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi lãnh thổ Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận một cách vô điều kiện.

Binh sĩ Ukraine tấn công vào các mục tiêu Nga trên chiến trường (Ảnh: Reuters).
Nga hiện đã kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine và đang dần mở rộng kiểm soát ở khu vực phía Đông. Moscow tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt của họ là nhằm đáp trả mối đe dọa hiện hữu từ việc Kiev tìm cách gia nhập NATO. Song, cả Ukraine và phương Tây đều coi hành động của Nga là xâm lược.
Tại Liên Hợp Quốc, các quốc gia có thể quyết định đồng bảo trợ một nghị quyết cho đến khi tiến hành bỏ phiếu. Theo các nhà ngoại giao, Đại Hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên dự kiến sẽ bỏ phiếu vào ngày 24/2. Các nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc dù không có tính ràng buộc nhưng lại có sức nặng về mặt chính trị, phản ánh quan điểm toàn cầu về cuộc chiến.
Các nguồn tin cho hay, trong 2 năm qua, Mỹ đã nhất trí đồng bảo trợ các nghị quyết như vậy để ủng hộ một nền hòa bình công bằng tại Ukraine. Song, Mỹ sẽ không ký vào bản nghị quyết lần này.
Hiện đã có hơn 50 quốc gia bảo trợ cho nghị quyết nói trên của Liên hợp quốc. Trong lúc này, nỗ lực ngoại giao đang được tiến hành nhằm kêu gọi sự ủng hộ từ các quốc gia khác, bao gồm cả các nước thuộc khu vực Nam Bán cầu.
Bên cạnh đó, Washington đồng thời phản đối sử dụng cụm từ "hành động gây hấn" trong tuyên bố mà Nhóm G7 dự định đưa ra vào tuần tới để lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Trước đó, một tuyên bố được công bố bởi các Ngoại trưởng G7 tuần trước về vấn đề Ukraine cũng không đề cập cụm từ này.
Việc Mỹ từ chối chấp thuận những ngôn từ được Liên hợp quốc và G7 thường xuyên sử dụng kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng nhanh chóng.
Hồi đầu tuần này, ông Trump đã cử một phái đoàn tới Saudi Arabia để đàm phán với Nga về các biện pháp nhằm nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine mà không có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Kiev. Động thái trên đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Kiev khiến hai bên sau đó đã có những lời lẽ không mấy dễ chịu nhằm vào nhau.
Cử đặc sứ đối thoại với Kiev
Cùng ngày, Đặc sứ Mỹ Keith Kellogg đã được cử tới thủ đô Ukraine và có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Sau đó, các phát ngôn của Ukraine có phần lắng dịu. Sau cuộc gặp với Đặc sứ Mỹ Kellogg, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 20/3 tuyên bố Kiev sẵn sàng hợp tác với Mỹ nhằm hướng tới một thỏa thuận mạnh mẽ về an ninh và đầu tư.

Tổng thống Ukraine Zelensky (trái) tại cuộc gặp với Đặc sứ Kellogg ở Kiev (Ảnh: Reuters).
"Cuộc gặp với ông Kellogg đã giúp hồi sinh hy vọng về một thỏa thuận thực sự mạnh mẽ và có hiệu quả. Tôi đã chỉ đạo phải tiến hành công việc một cách nhanh chóng và thực sự công bằng. Chi tiết thỏa thuận là rất quan trọng. Bản thỏa thuận càng được soạn thảo chi tiết thì kết quả đạt được càng tốt hơn", ông Zelensky thông tin.
Tổng thống Ukraine Zelensky đồng thời nhấn mạnh Ukraine cần được đảm bảo nền hòa bình sau này phải bền vững và lâu dài để Nga không bao giờ có thể quay lại phát động chiến sự.
"Ukraine đã sẵn sàng cho một thỏa thuận đầu tư và an ninh mạnh mẽ, hiệu quả với Tổng thống Mỹ. Chúng tôi đã đề xuất một cách nhanh chóng và mang tính xây dựng nhất để đạt được những kết quả đề ra. Đội ngũ của chúng tôi sẵn sàng làm việc 24/7. Điều quan trọng với chúng tôi và cả thế giới hiện nay là sức mạnh của nước Mỹ phải được thể hiện rõ ràng", ông Zelensky chia sẻ trên mạng xã hội X.
Đáng chú ý, dù có những tuyên bố có phần tích cực như trên nhưng cuộc họp báo chung sau cuộc gặp giữa Tổng thống Zelensky và Đặc sứ Mỹ Kellogg không diễn ra như dự kiến.
Trước đó, khi đặt chân tới Kiev ngày 19/2, ông Kellogg cho biết nhiệm vụ của ông chủ yếu là lắng nghe những mối quan ngại của Ukraine và truyền đạt lại cho giới chức Nhà Trắng.
"Chúng tôi hiểu rõ sự cần thiết phải đạt được những đảm bảo về an ninh và chủ quyền lãnh thổ của Ukraine", ông Kellogg nói thêm.
Đặc sứ Kellogg từng gặp Tổng thống Zelensky và các quan chức cấp cao Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich tuần trước để thảo luận về cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như biên bản ghi nhớ về đề xuất cho phép Mỹ cùng khai thác đất hiếm và khoáng sản ở Ukraine để đổi lấy nguồn viện trợ quân sự.