Khủng hoảng Sri Lanka: Cả Tổng thống và Thủ tướng đều từ chức

Người phát ngôn Quốc hội Sri Lanka cho biết Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã đồng ý từ chức. Thông báo được đưa ra chỉ vài giờ sau khi người biểu tình xông vào dinh thự Tổng thống và hô vang khẩu hiệu chống lại ông.

Người biểu tình tập trung bên ngoài văn phòng Tổng thống ở Colombo (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Người biểu tình tập trung bên ngoài văn phòng Tổng thống ở Colombo (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Đêm ngày 9/7, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Abeywardana tuyên bố trên truyền hình rằng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa sẽ từ chức vào ngày 13/7. “Quyết định này được đưa ra để đảm bảo một cuộc bàn giao quyền lực trong hòa bình. Do đó, tôi yêu cầu công chúng tôn trọng luật pháp và duy trì hòa bình”, ông Abeywardena nói.

Ông Gotabaya Rajapaksa đã được sơ tán khỏi dinh thự Tổng thống vào hôm 8/7 – một ngày trước khi những người biểu tình cầm quốc kỳ và mũ bảo hiểm, xông vào tòa nhà và yêu cầu vị lãnh đạo 73 tuổi từ chức. Những video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những người biểu tình đang nấu món cà ri trong bếp, nằm trên giường và ghế sofa, nâng tạ và chạy bộ trong phòng tập thể dục riêng của Tổng thống và nhảy xuống hồ bơi ngoài trời.

Người biểu tình xông vào trong tòa nhà Tổng thống (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Người biểu tình xông vào trong tòa nhà Tổng thống (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Cảnh sát đã nổ súng bắn chỉ thiên nhưng không thể ngăn được đám đông giận dữ. Ít nhất 39 người, trong đó có 2 cảnh sát, đã bị thương và phải nhập viện.

Văn phòng Thủ tướng cho biết những người biểu tình sau đó đã xông vào dinh thự riêng của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe và phóng hỏa. Mặc dù trước đó, ông Ranil Wickremesinghe thông báo sẵn sàng từ chức ngay khi một chính phủ mới được thành lập.

Một người biểu tình ném lựu đạn hơi cay về phía cảnh sát (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Một người biểu tình ném lựu đạn hơi cay về phía cảnh sát (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh quốc đảo 22 triệu dân đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất 7 thập kỷ qua, khi chính phủ không đủ khả năng nhập khẩu lương thực, nhiên liệu và thuốc men do thiếu hụt ngoại hối.

Các trạm nhiên liệu tại Sri Lanka hiện chỉ bán xăng dầu cho các dịch vụ thiết yếu, như y tế, tàu hỏa và xe bus. Các trường học đóng cửa, mọi người được yêu cầu làm việc tại nhà. Điện bị cắt liên tục. Bệnh viện thiếu thuốc và thiết bị y tế. Cùng với đó, lạm phát đang ở mức kỷ lục 54,6% và giá lương thực đã tăng gấp 5 lần, đồng nghĩa với việc 2/3 đất nước đang phải vật lộn để kiếm ăn.

Sri Lanka đã vỡ nợ vào tháng 5, khi không thể trả khoản nợ quốc tế hơn 51 tỷ USD. Nước này hiện đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế về khoản cứu trợ trị giá 3 tỷ USD.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/the-gioi/khung-hoang-sri-lanka-ca-tong-thong-va-thu-tuong-deu-tu-chuc-164348.html