Khủng hoảng tâm lý ở học sinh đang ngày càng phức tạp

'Ba thập kỷ trước, mối đe dọa lớn nhất với các em là rượu, thuốc lá, mang thai, các chất gây nghiện... nhưng ngày nay là sự lo lắng, trầm cảm, tự hại bản thân và các rối loạn tâm thần khác. Hiện tượng trầm cảm của học sinh ngày càng có diễn biến phức tạp, thậm chí, có những em vì vượt quá sức chịu đựng của bản thân đã dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc khác'.

Đó là chia sẻ của ThS.BS Phạm Văn Giào - Viện trưởng Viện ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục nêu ra tại chương trình tập huấn "Nâng cao năng lực hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường tại TPHCM" ngày 3/8 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và sinh viên đang học tập và công tác tại các cơ sở giáo dục tại TPHCM.

PGS. TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) chia sẻ về vấn đề tâm lý học đường tại buổi tập huấn

PGS. TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) chia sẻ về vấn đề tâm lý học đường tại buổi tập huấn

Ông Giào dẫn chứng, theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023 ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Con số này chiếm 3,1% dân số, tương đương với 1 trong 32 người. Trong đó, nhóm tuổi từ 18 - 29 có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%), tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ (4,2%) so với nam giới (2,1%). Tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm chung ở trẻ em là 2%. Ở lứa tuổi vị thành niên, con số này từ 5% đến 8%. Trên toàn cầu, rủi ro sức khỏe ở tuổi vị thành niên đang trải qua những thay đổi lớn.

“Ba thập kỷ trước, mối đe dọa lớn nhất với các em vị thành niên là rượu, thuốc lá, mang thai, các chất gây nghiện... nhưng ngày nay là sự lo lắng, trầm cảm, tự hại bản thân và các rối loạn tâm thần khác. Hiện tượng trầm cảm của học sinh ngày càng có diễn biến phức tạp, thậm chí, có những em vì vượt quá sức chịu đựng của bản thân đã dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc khác", ông Giào nói.

Về bạo lực học đường, theo ông Giào, tình trạng này đang trở nên khá phổ biến. Việc giới trẻ sống thử, quan hệ tình dục không an toàn, có thai ngoài ý muốn, phá thai trở thành một vòng tròn khép kín giống nhau ở khá nhiều người.

Theo ông Giào, nguyên do là ngày nay xã hội phát triển với tốc độ không ngừng, việc tiếp xúc với Internet và công nghệ hiện đại đã khiến các thành viên trong gia đình ít có thời gian quan tâm và chăm sóc lẫn nhau.

Nhiều bậc phụ huynh vì kinh tế gia đình mà không có thời gian tâm sự, lắng nghe và thấu hiểu con mình. Con cái cũng chạy theo sự thay đổi và phát triển của xã hội.

Người tham dự buổi tập huấn đặt câu hỏi với các diễn giả về tâm lý ngày nay của giới trẻ

Người tham dự buổi tập huấn đặt câu hỏi với các diễn giả về tâm lý ngày nay của giới trẻ

Áp lực cuộc sống, áp lực gia đình, áp lực học tập... dần đẩy con cái ra xa cha mẹ. Từ đó, nhận thức tiêu cực của giới trẻ hiện nay không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời, dẫn đến việc ngày càng có nhiều điều kiện để phát triển và bộc lộ những hành động tiêu cực, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

"Trẻ em luôn có tính tò mò rất cao, nhất là ở lứa tuổi dậy thì, vị thành niên, càng cấm thì chúng càng muốn làm. Chỉ cần trẻ tiếp xúc với các nội dung tiêu cực trong thời gian ngắn cũng có thể hình thành nên một tâm lý tiêu cực, các hành vi bất ổn. Ngoài ra, các áp lực đến từ việc học tập, thi cử cũng là một trong các lý do làm gia tăng những vấn đề tâm lý học đường", ông Giào chia sẻ.

Từ đó, ông Giào cho rằng, quá trình tham vấn tâm lý học đường không chỉ giúp các em có thể giải quyết tốt các vấn đề vướng mắc mà còn hỗ trợ cải thiện tốt các mối quan hệ với thầy cô, cha mẹ, bạn bè…

Trong khi đó, phân tích về lứa tuổi, PGS. TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) cho rằng, có sự khác biệt rất lớn giữa Gen Y (sinh năm 1981 đến 1996) với Gen Z (1997- 2012), Gen Alpha (2013 đến nay) từ cách học tập, làm việc đến cách sống.

Đặc biệt, với thế hệ Alpha, ông Nam cho rằng gia đình, nhà trường cần trang bị cho trẻ năng lực miễn dịch số khi tham gia môi trường mạng, kinh nghiệm các nước đều có chiến lược giúp học sinh tiếp xúc với giáo dục an toàn mạng từ sớm (giai đoạn 6-8 tuổi). Bởi lẽ, đây là lứa tuổi đã được cha mẹ cho sử dụng mạng một cách độc lập và có nguy cơ cao nhất.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng khuyên cha mẹ cần được cập nhật kiến thức và kỹ năng để hỗ trợ hoạt động trực tuyến của trẻ, hiểu rõ về lợi ích và nguy cơ tồn tại ở thế giới số và những kỹ năng để nhận diện khi trẻ có nguy cơ bị lạm dụng trực tuyến cũng như biết cách ứng phó, nơi tìm kiếm sự hỗ trợ.

"Muốn dạy trẻ bơi thì người dạy cũng phải biết bơi và biết phương pháp huấn luyện bơi, trên 'đại dương số' cũng như thế", PGS. TS. Trần Thành Nam ví von.

Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khung-hoang-tam-ly-o-hoc-sinh-dang-ngay-cang-phuc-tap-post1660560.tpo