Khủng hoảng thất nghiệp ở Trung Quốc: Doanh nghiệp sa thải ồ ạt, cả chục triệu người trẻ mất hy vọng vào sự nghiệp

Thị trường lao động ở Trung Quốc ngày càng căng thẳng khi khả năng tình trạng thất nghiệp sẽ trở nên tồi tệ hơn, thậm chí còn vượt qua mức đỉnh vào năm 2020.

Khi Zheng Jin buộc phải nghỉ việc tại một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc vào tháng 2, cô phần nào cảm thấy nhẹ nhõm khi không còn làm việc trong một lĩnh vực đang sa sút. 3 tháng sau, khi nộp đơn cho 400 vị trí mà không trúng tuyển, cô đã cực kỳ hoảng sợ.

Cô gái 26 tuổi chia sẻ: "Tôi không thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm". Zheng đã thực hiện 26 lần phỏng vấn mà không nhận được bất kỳ lời mời chấp thuận làm việc nào. Cô từng làm việc ở vị trí nhà nghiên cứu thị trường ở Nam Kinh và phải nghỉ việc khi công ty cắt giảm 30% nhân sự, sau khi chính phủ siết chặt quy định tài chính với ngành bất động sản. Cô chia sẻ: "Tôi cảm thấy cuộc sống chẳng còn chút hy vọng nào. Tôi không biết thể trụ được bao lâu nữa."

Zheng đang phải cạnh tranh với hàng chục triệu người khác ở độ tuổi 20 cũng chật vật để tìm việc, khi đại dịch và các quy định của chính phủ khiến tham vọng với sự nghiệp của họ sụt giảm. Trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi ở Trung Quốc – nhóm sinh viên mới tốt nghiệp đại học, đã tăng lên mức kỷ lục là 18,2%. Con số này cao gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị trên cả nước và cao hơn 7,9% tại Mỹ.

Thị trường lao động ở Trung Quốc ngày càng căng thẳng khi khả năng tình trạng thất nghiệp sẽ trở nên tồi tệ hơn, thậm chí còn vượt qua mức đỉnh vào năm 2020. Làn sóng Covid-19 gần đây nhất đã khiến những thành phố lớn như Thượng Hải bị "đóng băng", buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự hoặc giảm lương nếu họ may mắn còn có thể tiếp tục kinh doanh.

Hàng triệu người như Zheng – những người bị các công ty công nghệ, công nghệ giáo dục và bất động sản sa thải, vẫn đang nỗ lực tìm việc làm. Trong khi đó, số lượng sinh viên cao kỷ lục 10,76 triệu người sẽ tốt nghiệp trong năm nay và "tràn vào" thị trường lao động.

Một trong số họ là Xie Huiyu – 25 tuổi, đang học thạc sĩ toán học ở Anh, đến Thượng Hải vào tháng 11/2021 để thực tập cho một công ty internet. Nhà tuyển dụng hứa hẹn với cô sẽ được ký hợp đồng full time trong bộ phận vận hành sản phẩm sau khi tốt nghiệp vào mùa hè.

Song, cuối tháng 3, khi thành phố này bị phong tỏa, công ty đột ngột chấm dứt kỳ thực tập của cô. Họ cũng rút lại lời đề nghị trên, nói rằng hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn lớn vì dịch bệnh. Kể từ đó, Xie phải nhờ đến hỗ trợ tài chính từ gia đình ở quê Chiết Giang và đồ ăn, thức uống mà chủ nhà chia sẻ.

Xie chia sẻ về quá trình tìm việc của mình: "Mọi thứ rất vất vả. Đôi khi tôi tự hỏi rằng mình học nhiều như vậy thì có ích gì."

Jacqueline Rong – phó trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại BNP Paribas, cho biết chưa chắc tỷ lệ thất nghiệp hiện tại đã là đỉnh điểm. Bà dự đoán con số này có thể lên tới 6,5% trong những tháng tới. Đây sẽ là mức kỷ lục kể từ khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu theo dõi số liệu vào tháng 1/2016. Tỷ lệ thất nghiệp đối với nhóm thanh niên có thể tăng vọt lên gần 20% vào mùa hè này, khi sinh viên các trường đại học tốt nghiệp và tham gia vào thị trường lao động.

Không như năm 2020, cuộc suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra trong năm nay sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động của Trung Quốc vốn đã gặp nhiều căng thẳng. Hàng triệu người có thể đã mất việc khi lĩnh vực bất động sản suy thoái và đợt siết chặt quy định của Bắc Kinh hồi năm ngoái đối với các công ty internet, công ty cung cấp dịch vụ gia sư.

Một số doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc đã bày tỏ sự bất bình của họ, trong đó có Yu Minhong – nhà sáng lập và chủ tịch của một trong những công ty giáo dục tư nhân lớn nhất nước này New Oriental Education & Technology Group Inc. Công ty của Yu đã phải ngừng toàn bộ các dịch vụ dạy thêm cho học sinh tiểu học và trung học. Ngoài ra, họ cũng sa thải 60.000 nhân sự vào năm 2021, sau khi Bắc Kinh cải tổ ngành trị giá 100 tỷ USD này.

Ngay sau khi ngành dạy thêm cải tổ và bắt đầu ổn định trở lại, thì cuộc khủng hoảng Covid-19 lại tạo ra một loạt áp lực khác. Lợi nhuận sụt giảm đồng nghĩa với việc họ phải "cắt giảm thêm chi phí đối với nguồn nhân lực", theo Yu chia sẻ trên WeChat hồi tháng 5. Ông nói: "Dù tôi luôn tự nhủ rằng hãy kiên nhẫn và khoảng thời gian khó khăn sẽ qua đi, nhưng vẫn ngày càng lo lắng khi nghĩ về những việc mình phải xử lý. Tôi thường xuyên phải dùng thuốc ngủ."

Ngay cả những "ông lớn" trong ngành công nghệ cũng phải cắt giảm nhân sự. JD.com – hãng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc, đã sa thải 10% đến 15% nhân viên trong bộ phận mua hàng theo nhóm (community-buying). Hãng gọi xe Didi Global dự định cắt giảm 20% nhân sự. Tencent Holdings – công ty vừa ghi nhận tăng trưởng doanh thu thấp chưa từng có kể từ khi niêm yết vào năm 2004, đang đóng cửa nhiều mảng kinh doanh thuộc bộ phận thể thao.

Những vấn đề này đang trở thành áp lực nặng nề cho các sinh viên sắp tốt nghiệp. Li Wen – 21 tuổi, dự định sẽ nhận một công việc có mức lương thấp, làm việc 6 ngày/tuần ở vị trí trợ lý ở một công ty thương mại điện tử. Tốt nghiệp chuyên ngành Ngôn ngữ Anh tại 1 trưởng đại học ở Nam Sung (Tứ Xuyên), cô hy vọng sẽ có tấm bằng thạc sĩ báo chí. Nhưng Li trượt kỳ thi đầu vào khi trường tăng điểm sàn vào năm nay do lượng đăng ký tăng đột biến. Cô không muốn tìm nơi tuyển giáo viên, vì các công ty dạy thêm sụp đổ khiến ngành này đang cạnh tranh gay gắt.

Công việc mà Li miễn cưỡng chọn có mức lương 3.500 NDT (526 USD)/tháng, thấp hơn mức cơ bản đóng thuế là 5.000 NDT ở Trung Quốc. Cô chia sẻ: "Tôi tự hỏi liệu mình có nên thi cao học một lần nữa hay không, nhưng tôi không biết mình sẽ phải đối mặt với thị trường việc làm như thế nào trong 3 năm nữa."

Biện pháp hỗ trợ thị trường lao động ở Bắc Kinh chủ yếu nhắm vào các doanh nghiệp, ít đặt mục tiêu đến nhóm người không có việc làm. Chính phủ đã có những động thái khuyến khích các công ty như giảm thuế, hoàn tiền bảo hiểm thất nghiệp, dừng quy định yêu cầu người sử dụng lao động đóng các khoản an sinh xã hội và trợ cấp tiền mặt để đào tạo nhân viên.

Một số tỉnh đã công bố các biện pháp hỗ trợ sinh viên mới tốt nghiệp. Ví dụ, tỉnh Cát Lâm cho biết sẽ tăng tỷ lệ tuyển dụng công chức lên 10% trong năm nay và cung cấp 20.000 việc làm cho một số chương trình dịch vụ do chính quyền địa phương triển khai, chỉ dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học. Tỉnh Quảng Đông đặt mục tiêu đảm bảo việc làm cho hơn 70% sinh viên tốt nghiệp trong năm nay, cam kết cung cấp 68.000 việc làm tại các tổ chức phi lợi nhuận thuộc sở hữu nhà nước.

Đối với nhiều người trẻ đang tìm việc, việc rời xa thị trường lao động và cùng tham gia vào xu hướng "nằm im mặc kệ sự đời" đang trở nên phổ biến hơn. Áp lực cạnh tranh việc làm với hàng triệu người khác đang là quá lớn đối với họ.

David Yang - 23 tuổi, sinh viên chuyên ngành tài chính ở Thượng Hải, cho biết: "Tôi đang rất căng thẳng." Yang đã phải ở trong nhà nhiều tuần, không thể tham gia các cuộc phỏng vấn xin việc ở những trung tâm công nghệ như Thâm Quyến. Anh nói: "Bạn vẫn tin rằng mình có tương lai tươi sáng, nhưng đột nhiên bạn bị buộc phải ở yên trong nhà và toàn bộ cơ hội làm việc đều biến mất." Sau khi gửi CV đến hàng chục công ty, anh nói rằng đôi khi cảm thấy rất thất vọng và cũng chỉ muốn "nằm im, mặc kệ mọi thứ".

Tham khảo Bloomberg

Vu Lam

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/khung-hoang-that-nghiep-o-trung-quoc-doanh-nghiep-sa-thai-o-at-ca-chuc-trieu-nguoi-tre-mat-hy-vong-vao-su-nghiep-4202216113831169.htm