Khủng hoảng thiếu thuốc kháng sinh mới

Liên Hiệp Quốc ước tính số ca tử vong trên toàn cầu do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh có thể lên tới 10 triệu người vào năm 2050 nếu không có các liệu pháp mới

Trong bối cảnh vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ngày càng tăng, nhiều công ty dược cạn kiệt vốn và buộc phải giải thể doanh nghiệp, làm suy yếu nghiêm trọng những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc gây chết người.

Những công ty khởi nghiệp về kháng sinh như Achaogen và Aradigm (Mỹ) đang cầm cự những tháng gần đây trong khi những gã khổng lồ dược phẩm như Novartis và Allergan đã rời bỏ lĩnh vực này và nhiều công ty kháng sinh khác của Mỹ có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Một trong những nhà phát triển kháng sinh lớn nhất nước Mỹ, Melinta Therapeutics, gần đây cảnh báo các cơ quan quản lý rằng công ty này sắp cạn tiền.

Các chuyên viên nghiên cứu đang làm việc tại Công ty Công nghệ sinh học Achaogen (Mỹ) Ảnh: GENENGNEWS.COM

Các chuyên viên nghiên cứu đang làm việc tại Công ty Công nghệ sinh học Achaogen (Mỹ) Ảnh: GENENGNEWS.COM

Theo tờ The New York Times (Mỹ), các chuyên gia cho rằng tương lai tài chính u ám của một số công ty nghiên cứu kháng sinh đang khiến các nhà đầu tư tránh xa và đe dọa sự phát triển của các loại thuốc cấp cứu mới vào thời điểm cấp thiết như lúc này.

"Đây là một cuộc khủng hoảng cần được cảnh báo với mọi người" - TS Helen Boucher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Tufts (Mỹ) và là thành viên Hội đồng Tư vấn của tổng thống về chống vi khuẩn kháng kháng sinh, cho hay. Vấn đề ở đây là các công ty đầu tư hàng tỉ USD để phát triển các loại thuốc mà vẫn chưa có cách bán được chúng.

Hầu hết các loại thuốc kháng sinh được kê đơn chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần nên nhiều bệnh viện không sẵn lòng trả giá cao cho các liệu pháp mới. Bế tắc chính trị trong Quốc hội Mỹ cũng cản trở các nỗ lực giải quyết vấn đề này. Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ được công bố hồi tháng trước, các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc đã giết chết 35.000 người ở Mỹ mỗi năm và gây bệnh tật cho khoảng 2,8 triệu người. Nếu không có các liệu pháp mới, Liên Hiệp Quốc ước tính số ca tử vong trên toàn cầu có thể lên tới 10 triệu người vào năm 2050.

Sau nhiều năm xuất hiện những cảnh báo chống lại việc lạm dụng thuốc kháng sinh, không ít bác sĩ miễn cưỡng kê đơn các loại thuốc mới, hạn chế khả năng thu hồi vốn đầu tư của những công ty đã nghiên cứu thuốc và nỗ lực để được cơ quan quản lý cấp phép. Nhằm tiết kiệm chi phí, nhiều nhà thuốc của bệnh viện lại phát thuốc kháng sinh rẻ dù loại thuốc mới hiệu quả hơn nhiều.

Trên thực tế, để nghiên cứu ra hợp chất mới là điều không dễ dàng. Đến nay, chỉ có 2 nhóm kháng sinh mới được giới thiệu trong vòng 20 năm qua, hầu hết các loại thuốc mới là biến thể của những loại hiện có và lợi nhuận giảm dần khiến nhiều công ty dược rời khỏi thị trường. Trong những năm 1980, có đến 18 công ty dược phẩm lớn phát triển các loại thuốc kháng sinh mới nhưng nay chỉ còn 3 doanh nghiệp.

TS David Shlaes, cựu Phó Chủ tịch của Công ty Dược Wyeth (Mỹ) và là thành viên HĐQT của Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển kháng sinh toàn cầu, cho rằng để phát triển một loại kháng sinh mới có thể tiêu tốn khoảng 2,6 tỉ USD và phần lớn chi phí đó "đổ biển" trong quá trình nghiên cứu.

Điển hình là trường hợp của Công ty Công nghệ sinh học Achaogen. Hãng này đã dành 15 năm và 1 tỉ USD trong quá trình từ phát triển đến việc có được sự chấp thuận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đối với Zemdri - một loại thuốc kháng sinh dành cho bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu khó điều trị.

Hồi tháng 7, Tổ chức Y tế thế giới đã thêm Zemdri vào danh sách những loại thuốc mới cần thiết trong việc điều trị bệnh.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/khung-hoang-thieu-thuoc-khang-sinh-moi-20191226222853125.htm