Khủng hoảng tiền kẽm ở xứ Đàng Trong, chúa Nguyễn 'bó tay'

Thời các chúa Nguyễn, ở Thuận, Quảng, Gia Định thông dụng tiền Khương Hy và các thứ tiền Khai Nguyên nhà Đường; Thuần Hóa, Tường Phù nhà Tống; đồng thời có lệ mỗi chúa lên ngôi thì đúc tiền đồng nhỏ, in hai chữ Thái Bình.

Năm Giáp Ngọ (1774), quân Hoàng Ngũ Phước vào Phú Xuân, tịch thu kho tàng, lấy được hơn 10 vạn quan tiền đồng cũ hiệu Khương Hy, Thuần Hóa, mới biết thuyền buôn Bắc Hà đã lén chở vào bán lại.

Một số loại tiền đồng lưu hành ở Đàng Trong: Thái Bình thông bảo, Trị Nguyên thông bảo, Tường Nguyên thông bảo. (Ảnh: T.L.).

Những đồng tiền cũ của Trung Quốc thường được dân phá làm đồ dùng, mỗi ngày một hao hụt. Nên năm Ất Tỵ (1725), chúa Túc Tông đúc thêm tiền đồng.

Năm Giáp Thìn (1724), đời chúa Hiển Tông, Ký lục Chính dinh là Nguyễn Đăng Đệ xin cấm dùng các thứ tiền bằng gang, chì, sắt để mua bán, còn tiền đồng nếu không gãy, mẻ thì không bỏ.

Không biết các thứ tiền gang, thiếc, chì sắt là tiền gì và do ai đúc ra. Nhưng số tiền đồng của chúa Túc Tông đúc ra cũng bị dân gian phá làm đồ dùng, nên đến chúa Thế Tông, năm Bính Dần (1746), theo đề nghị của Hoa kiều họ Hoàng, mua kẽm trắng của Hà Lan, mở trường đúc ở Lương Quán, đúc tiền kẽm, vành tiền và chữ đề theo thể thức tiền Tường Phù nhà Tống. Việc lưu hành tiền kẽm này đã gây ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ trầm trọng ở Nam Hà lúc bấy giờ. Theo Phủ biên tạp lục thì tiền kẽm đúc ra lần đầu dày, cứng, tuy có thể đốt cháy, nhưng không thể bẻ gãy được, nên tiêu dùng cũng tiện.

Tiền Kẽm thời Lê Trung Hưng ở Đàng Ngoài thời vua Lê Hy Tông và Lê Duy Hợp. (Ảnh qua Nghethuatxua.com).

Thế rồi, người có tiền đồng cất giữ, không chịu đem tiêu dùng. Người quyền quý, có thế lực tranh nhau xin đúc thêm tiền kẽm, dựng hơn 100 lò, đúc tiền hiệu Thiên Minh Thông Bửu, trộn chì vào, tiền lại nhỏ mỏng, có thể bẽ gãy được, dân gian chê xấu không dùng, nên việc mua bán không thông. Trước thì 1 đồng tiền kẽm ăn 1 đồng tiền đồng, nay 3 đồng mới ăn 1. Thuyền buôn ngoại quốc không nhận, họ đổi hàng hóa lấy gạo, muối, còn nhà giàu không muốn lấy tiền ấy, không chịu bán lúa, vì thế giá lúa cao vọt lên. Trong vòng hai năm, thuyền buôn Ma Cao đem kẽm đến bán, không dưới 15 vạn cân, mà chính quyền không biết cấm, kẻ gian mua rồi đem đến núi sâu, hải đảo đúc lén, không thể tra hỏi được.

Pierre Poivre là người sai phái của Công ty Đông Ấn của Pháp đến Nam Hà lúc ấy cũng nói trong Memoire sur la Cochinchinne: “Việc thương mại của xứ này đương bị xáo trộn vì sự lưu hành một thứ tiền kẽm gây ra nhiều sự gian trá, độc quyền và rối ren đủ thứ. Các tệ hại này không thể tồn tại lâu được, nhưng tôi không thể biết trước bao giờ chấm dứt…”.

Từ năm Mậu Tý (1768) trở đi, vì nhà giàu giữ lúa không chịu bán ra, nạn đói hoành hành ở Thuận, Quảng.

Năm Canh Dần (1770), ở Thuận Hóa có dật sĩ là Ngô Thế Lân dâng thư lên chúa Duệ Tông bàn về nguyên nhân đói kém, và đề nghị phương kế bổ cứu. Thư đại lược rằng: “Nay thiên hạ đã bình yên lâu ngày, đất rộng, dân đông, đất trồng ngũ cốc đã khai khẩn hết, những nguồn lợi núi chằm đã khai thác hết, lại thêm ruộng ở Phiên Trấn, Long Hồ không bị hạn lụt, thế mà từ năm Mậu Tý đến nay giá lúa cao vọt, sanh dân đói kém, là vì cớ gì?

Thần trộm nghĩ ấy không phải là vì thiếu lúa mà vì tiền kẽm gây nên vậy. Phàm dân chạy về mối lới cũng như nước chảy xuống chỗ thấp, thế không thể ngăn được, thế nên tuy rừng sâu có độc lam chướng, có nạn hùm beo, biển lớn có cái nguy sóng gió, kình ngạc, mà người ta thường đến mà không sợ, ấy là vì thấy lợi mà quên hại vậy. Huống chi cái lợi đúc tiền kẽm lại gấp bội cái lợi khác lại không có cái lo về lam chướng, hùm beo, sóng gió, kình ngạc, tuy có lệnh cấm nhưng từ khi dùng tiền tới nay, chưa ai vì đúc trộm mà bị giết bao giờ.

Cho nên từ khi việc đúc trộm tiền kẽm ở Ba Thắc hoành hành thì giá lúa ở Gia Định cao vọt, ấy là vì kẻ đúc trộm tiền kẽm được lợi rất nhiều, nếu chở đi nơi khác thì sợ lộ việc gian, nên không kể hàng đắt hàng rẻ, đều tùy tiện mua lấy, giá lúa nhân đó mà cao lên. Lúc đắt thì dân sợ đói, sợ đói thì tranh nhau để chứa, tranh nhau mua thì lúa ngày càng đắt, lúc đắt thì mọi vật trong thiên hạ cũng theo đó mà đắt lên. Huống chi tính người ai cũng ưa cái bền chắc, ghét cái chóng hư, nay lấy đồng tiền kẽm chóng hư mà thay đồng tiền bền chắc, cho nên dân tranh nhau chứa lúa mà không chịu chứa tiền.

Thời Hán Cao Tổ cho rằng tiền nửa lượng của nhà Tần nặng quá, mới đúc giáp tiền để thay, vật giá liền lên cao, 1 thạch gạo giá đến 1 vạn đồng tiền, ấy là vì tiền mỏng nên vật giá phải cao, đã ăn thì cha con không có nghĩa nữa. Cha đã không giữ được con, thì vua sao giữ được dân?

Tuy vậy, các tệ tiền kẽm đã lâu rồi, nay muốn thay đổi rất khó mau có công hiệu, mà nạn đói của dân lại rất gấp. Thần trộm nghĩ phương kế ngày nay, không gì bằng phỏng theo phép nhà Hán, mỗi phủ đặt 1 kho “Thường Bình”, đặt chức quan Hữu tư, định giá thường bình, rồi hễ lúa rẻ thì mua chứa vào kho, lúa đắt thì theo giá mà bán cho dân. Như thế thì giá lúa không đến nỗi rẻ quá để thiệt hại nhà nông, mà cũng không đến nỗi đắt quá để lợi cho dân buôn, khiến dân nghèo đói kém, rồi sau sẽ lần lần sửa đổi cái tệ tiền kẽm. Như thế vật giá sẽ được bình ổn”. (Theo Phủ biên tạp lục).

Thư dâng lên, nhưng không thấy trả lời.

Theo Tri Thức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/khung-hoang-tien-kem-o-xu-dang-trong-chua-nguyen-bo-tay-1510548.html