Khủng hoảng Ukraine khiến giá ngũ cốc tăng vọt, đe dọa an ninh lương thực thế giới
Giá lương thực có thể tăng cao hơn nữa nếu xung đột nổ ra giữa Nga và Ukraine- hai quốc gia sản xuất ngô và lúa mì hàng đầu thế giới- đồng thời dấy lên bóng ma lạm phát gia tăng và bất ổn chính trị ở Trung Đông.
Giá ngô trên Chicago Board of Trade, một tiêu chuẩn quốc tế, hiện dao động quanh mức 6,20 USD/cân cho các hợp đồng ngắn hạn, đánh dấu mức tăng hơn 10% so với một năm trước đó. Hợp đồng lúa mì kỳ hạn trên cùng một sàn giao dịch đang giao dịch cao hơn 20% ở mức xấp xỉ 7,60 USD/cân.
Một cánh đồng lúa mì ở vùng Stavropol của Nga, nơi xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Ảnh: Reuters.
Một nguồn thạo tin cho biết: “Xuất khẩu ngũ cốc từ Nga và Ukraine quá lớn nên có khả năng giá sẽ tăng đột biến nếu xung đột xảy ra”. Trong quá khứ, giá lúa mì quốc tế đã tăng hơn 20% trong hai tháng trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập Bán đảo Crimea vào tháng 3/2014.
Giá ngũ cốc đã phản ứng với tình hình địa chính trị trong nhiều tháng. Hợp đồng lúa mì tương lai đã tăng lên đến mức 8,30 USD vào cuối tháng 1, gần với mức cao nhất trong 9 năm qua là 8,60 USD vào tháng 11.
Mátxcơva đã triển khai ước tính 100.000 quân ở cả Nga và Belarus gần biên giới Ukraine trong khi Mỹ và các nước châu Âu nỗ lực ngăn chặn một cuộc đổ bộ quân tiềm tàng.
Nếu những nỗ lực hòa giải không thành công, tác động đến thị trường nông nghiệp sẽ rất sâu rộng. Nga là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Nước này chiếm 10% sản lượng toàn cầu và 20% xuất khẩu quốc tế.
Trong khi đó, Ukraine là nhà xuất khẩu lớn thứ năm, chiếm 10% thị phần sản lượng lúa mì trên thế giới. Nước này cũng chiếm tỷ trọng xuất khẩu ngô vượt quá 10%. Ukraine cũng kiểm soát lượng lớn dầu hướng dương và lúa mạch.
Xung đột Nga-Ukraine sẽ giáng một đòn mạnh vào Trung Đông và Bắc Phi. Khu vực này là nơi tiêu thụ lúa mì lớn nhất thế giới do phụ thuộc vào nhập khẩu vì khí hậu khô hạn và nguồn nước hạn chế. Ai Cập là nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu và nước này nhập khẩu 60% lượng ngũ cốc từ Nga và gần 30% từ Ukraine.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới, được sử dụng làm thức ăn cho lợn, cũng sẽ bị ảnh hưởng do nước này thường nhập khẩu 30% lượng ngô xuất khẩu của Ukraine.
Vùng trồng trọt của Nga tập trung ở phía Tây Nam, gần biên giới Ukraine. Những vùng đất rộng lớn của Ukraine được bao phủ bởi đất đai màu mỡ. Lúa mì và ngô chủ yếu được trồng ở miền trung và miền nam của Ukraine.
Nếu xung đột nổ ra, nó có thể làm hỏng vành đai trang trại và ảnh hưởng đến các chuyến hàng ngũ cốc toàn cầu từ các cảng Biển Đen. Phương Tây có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga hạn chế xuất khẩu ngũ cốc trong kịch bản đó.
Nhu cầu toàn cầu về lúa mì đã mở rộng cùng với sự gia tăng dân số và cải thiện thu nhập trong các chỉ số chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, thu hoạch lúa mì ở Canada và Mỹ đã được dự đoán sẽ giảm trong vụ mùa 2021-2022 do nhiệt độ cao và thời tiết khô hạn.
Dự trữ lúa mì toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm vào cuối giai đoạn này. Nếu căng thẳng xung quanh Ukraine gia tăng, sự cân bằng giữa cung và cầu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Ngô cũng có một số khó khăn tương tự. Brazil, nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, đang trải qua thời tiết khô nóng và dự báo sản lượng trong mùa vụ 2021-2022 nhiều lần đã bị hạ xuống.
Naoyuki Omoto, người đứng đầu Green County, một công ty tư vấn ngũ cốc có trụ sở tại Tokyo, cho biết tình hình xung quanh Ukraine là một “nguyên nhân đáng lo ngại”.
Trong trường hợp nguồn cung từ Ukraine giảm mạnh, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng cường thu mua từ Mỹ, nguồn nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Trung Quốc đã tăng nhập khẩu ngô Mỹ kể từ năm 2020 sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, khiến giá ngô toàn cầu tăng.
Giá lương thực tăng đột biến sẽ giáng một đòn trực tiếp vào tài chính của các hộ gia đình, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi. Chỉ số giá lương thực do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc công bố đạt trung bình 135,7 điểm trong tháng Giêng, theo công bố ngày 3 tháng 3, cao hơn 1,1% so với tháng 12 năm ngoái.
Giá ngũ cốc cao tiềm ẩn nguy cơ làm bùng phát bất ổn ở Trung Đông. Chỉ số lương thực đang tiến tới mức cao nhất mọi thời đại là 137,6 điểm – chỉ số này đã được thấy vào tháng 2 năm 2011, khi cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập xảy ra lật đổ các chính phủ. Phong trào này bùng lên một phần do sự tức giận của công chúng đối với việc tăng giá bánh mì.
Giá lương thực tăng cùng với đà tăng của dầu sẽ dẫn đến áp lực lạm phát tăng mạnh hơn. Các ngân hàng trung ương có khả năng sẽ phản ứng bằng các hành động chính sách chặt chẽ hơn, có nguy cơ làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch.
Huy Hoàng (Theo Asia Nikkei)