Khủng hoảng Ukraine: Nga và phương Tây đổ lỗi cho nhau
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết có thể gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Thụy Sĩ ngày 24-2 để bàn về vấn đề Ukraine
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây quanh vấn đề Ukraine đang leo thang sau khi Tổng thống Vladimir Putin hôm 21-2 quyết định công nhận độc lập của 2 vùng ly khai ở miền Đông Ukraine và đưa quân đến đó trong vai trò gìn giữ hòa bình.
Nhiều nước, đứng đầu là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đã chỉ trích hành động bị xem là vi phạm các thỏa thuận quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời đe dọa có thêm biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga để trả đũa.
Bên cạnh đó, một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, kêu gọi kiềm chế, tránh làm căng thẳng thêm gia tăng và nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt tình hình.
Tổng thống Vladimir Putin đã quy trách nhiệm cho NATO về cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng như gọi liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này là mối đe dọa đến sự tồn tại của Nga. Tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tối 21-2 (giờ New York), Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ và phương Tây đang đẩy Ukraine đến gần "hành động khiêu khích vũ trang".
Theo ông Nebenzia, Ukraine đã tập trung một đội quân 120.000 người dọc theo đường liên lạc với phe ly khai ở phía Đông và một số nhóm đã xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập Donbas để "phá hoại" cơ sở hạ tầng quan trọng.
"Vì vậy, rõ ràng là Donbas đang đứng trên bờ vực của một hoạt động quân sự mới của Ukraine như từng xảy ra hồi năm 2014 và 2015" - ông Nebenzia nhấn mạnh, đồng thời nói thêm đó là lý do Tổng thống Vladimir Putin có quyết định nói trên.
Việc công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng mở đường cho sự hỗ trợ quân sự của Moscow dành cho 2 vùng ly khai này.
Ngoài ra, theo các hiệp ước đã ký kết, Nga được quyền xây căn cứ quân sự tại DPR và LPR. Các nhà lãnh đạo phương Tây xem bước đi này là hành động ảnh hưởng trật tự thế giới và đang chạy đua tìm biện pháp đối phó, trong lúc thăm dò cả cơ hội cho ngoại giao.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Vladimir Putin đã nhất trí trên nguyên tắc về một hội nghị thượng đỉnh, làm dấy lên hy vọng cánh cửa ngoại giao vẫn mở. Cựu đại sứ Israel tại Mỹ Michael Oren nhận định với tờ The Jerusalem Post rằng Tổng thống Joe Biden từng nói sẵn sàng gặp ông Vladimir Putin miễn là Nga không tấn công Ukraine và điều này hiện vẫn chưa diễn ra.
Trước mắt, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 22-2 cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov vẫn sẵn sàng thương thảo với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngay cả vào thời điểm khó khăn nhất.
Ông Lavrov trước đó cho biết có thể gặp ông Blinken tại TP Geneva - Thụy Sĩ ngày 24-2 để bàn về căng thẳng leo thang quanh Ukraine. Ngoài ra, cuộc gặp này được cho là còn nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga có thể sắp diễn ra.
Hy vọng cho nỗ lực ngoại giao còn đến từ việc các chính phủ phương Tây và Mỹ không vội mạnh tay trừng phạt Nga toàn diện. Chẳng hạn, Mỹ chỉ mới công bố các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào DPR và LPR dù cảnh báo sẽ sẵn sàng làm nhiều hơn nếu cần thiết.
Trong khi đó, tuyên bố của bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh EU sẽ trừng phạt những ai liên quan hành động nêu trên, qua đó gián tiếp xác nhận phản ứng hạn chế của khối này.
Theo tờ The Straits Times, việc các chính phủ phương Tây trừng phạt Nga quá khắc nghiệt có thể cản trở nỗ lực tiếp xúc ngoại giao với Moscow trong thời gian tới nhằm ngăn tình hình thêm xấu đi.
Tâm lý bất an bao trùm các thị trường
Thị trường chứng khoán châu Á ngày 22-2 lao dốc theo sau động thái của của ông Vladimir Putin. Cụ thể, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) giảm 1,4% trong khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,7%. Theo đài CNN, xu hướng tương tự cũng diễn ra đối với các chỉ số chứng khoán tương lai ở Mỹ tối 21-2 (giờ địa phương), với Dow, S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 1,4%, 2,3% và 3,3%.
Trong khi đó, giá dầu thô Brent ở Anh ngày 22-2 có lúc tăng lên 97,53 USD/thùng - cao chưa từng thấy trong 7 năm trở lại đây, do nỗi lo xuất khẩu năng lượng Nga có thể bị gián đoạn. Giá vàng cũng tăng 0,1%, lên mức 1.908 USD/ounce. Được xem là kênh trú ẩn an toàn, đồng yen của Nhật Bản có thời điểm tăng 0,2%, lên mức 1 USD đổi 114,50 yen trong khi đồng euro giảm khoảng 0,1%, xuống mức 1 euro đổi 1,1297 USD. Đồng rúp của Nga tiếp tục đà lao dốc ngày 22-2, trước khi ổn định ở mức 1 USD đổi 79,147 rúp.
"Có cảm giác như tình hình (Ukraine) có thể leo thang bất cứ lúc nào và điều này sẽ khiến các nhà đầu tư lo lắng" - nhà phân tích thị trường Craig Erlam của Công ty Oanda Corporation (Mỹ) nhận định. Chuyên gia Carlos Casanova của Ngân hàng UBP (Thụy Sĩ) cho rằng động thái mới nhất của Moscow làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra can thiệp quân sự cũng như tâm lý bất an trên các thị trường, dẫn đến việc giá dầu leo thang giữa lúc giới đầu tư bán tháo cổ phiếu và ồ ạt mua các tài sản được xem là kênh trú ẩn an toàn, như đồng yen Nhật Bản.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-va-phuong-tay-do-loi-cho-nhau-2022022219584503.htm