Khủng hoảng Ukraine: Vừa đàm phán vừa cảnh báo
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự kiến đến Ukraine và Nga trong tuần sau
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7-2 cho biết sẵn sàng thỏa hiệp và sẽ xem xét các đề xuất do người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đưa ra tại cuộc gặp kéo dài hơn 5 giờ ở Moscow hôm 7-2. Dù vậy, ông Putin vẫn quy trách nhiệm cho phương Tây vì căng thẳng gia tăng liên quan đến Ukraine.
Dù không có kết quả đột phá nào đạt được tại cuộc gặp trên, hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp vẫn bày tỏ hy vọng có thể tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa Moscow và phương Tây kể từ khi chiến tranh lạnh khép lại.
"Một số đề xuất, ý tưởng của ông ấy (Tổng thống Macron)… có thể là cơ sở cho các bước đi tiếp theo. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để tìm kiếm sự thỏa hiệp phù hợp với mọi bên" - ông Putin cho biết tại cuộc họp báo cùng với Tổng thống Pháp sau hội đàm.
Ông chủ Điện Kremlin không tiết lộ thêm thông tin mà chỉ nói sẽ điện đàm với ông Macron sau khi nhà lãnh đạo Pháp gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kiev ngày 8-2.
Nội dung chi tiết hơn đến từ ông Macron, lãnh đạo một nước phương Tây lớn đầu tiên đến Moscow kể từ khi Nga tăng cường quân gần biên giới với Ukraine vào tháng 12-2021.
Cùng với cảnh báo căng thẳng và nguy cơ bất ổn đang tăng, Tổng thống Pháp cho biết đã đưa ra các đề xuất nhằm giải quyết nỗi lo của cả Nga và phương Tây. Chẳng hạn như hai bên cam kết sẽ không thực hiện thêm hành động quân sự, tiến hành đối thoại chiến lược mới và nỗ lực khôi phục tiến trình hòa bình liên quan đến xung đột giữa chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai ở miền Đông nước này.
Cuộc gặp ở Moscow đánh dấu sự khởi đầu của tuần lễ diễn ra nhiều hoạt động tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tại Nhà Trắng, theo Reuters, Tổng thống Joe Biden đã tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 7-2 (giờ địa phương) trong bối cảnh hai nước này nỗ lực tìm kiếm "mặt trận thống nhất" trong việc đối phó kịch bản Nga "tấn công" Ukraine.
Đối mặt chỉ trích vì chưa thể hiện đủ năng lực lãnh đạo khi cuộc khủng hoảng diễn ra, Thủ tướng Scholz tuyên bố sau cuộc gặp ông Biden rằng Nga sẽ phải "trả cái giá rất đắt nếu xâm lược Ukraine".
Dù vậy, nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh đến nỗ lực ngoại giao đang và sắp diễn ra, trong đó có cuộc đàm phán 4 bên giữa Đức, Pháp, Ukraine và Nga. Sau cuộc hội đàm với ông Biden, ông Scholz dự kiến còn gặp giới chức Liên minh châu Âu, lãnh đạo các nước vùng Baltic trước khi đến Ukraine và Nga trong tuần sau.
Tuy nhiên, đài CNN nhận định bất đồng về tuyến đường ống khí đốt Nord Stream 2 có thể đe dọa đến "mặt trận thống nhất" Mỹ - Đức. Tại cuộc họp báo chung với ông Scholz, Tổng thống Biden khẳng định sẽ "chấm dứt" tuyến đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức này nếu Moscow "xâm lược" Kiev.
Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng không nói rõ sẽ làm điều này thế nào bởi Đức đang kiểm soát dự án nói trên. Trong khi đó, ông Scholz không nhắc đến dự án tại cuộc họp báo, cũng như từ chối cam kết chấm dứt nó nếu Nga tấn công Ukraine.
Theo Reuters, nhà chức trách Đức đã hoãn phê duyệt Nord Stream 2 đến ít nhất là giữa năm 2022 nhưng không chịu hủy bỏ hoàn toàn dự án. Động thái này khiến các nhà lập pháp và quan chức Mỹ lo ngại thời gian qua.
Ông Steven Sokol, Chủ tịch Hội đồng Mỹ về Đức, cho rằng ông Scholz cần làm rõ lập trường của Đức về Nord Stream 2, đồng thời cho thấy thêm "tính sáng tạo" trong vấn đề hỗ trợ Ukraine.
Dù vậy, đài CNN chỉ ra cái khó của ông Scholz lúc này là Đức đang phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga, khiến Berlin có thể đối mặt nguy cơ thiếu nguồn cung khí đốt trong những tháng mùa đông nếu áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh lên Moscow.
Bài toán Nord Stream 2
Cũng tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 7-2, Tổng thống Biden cho biết Mỹ đang xem xét cung cấp năng lượng thay thế cho châu Âu để bù đắp sự thiếu hụt của nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga trong trường hợp phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt lên Moscow về vấn đề Ukraine. Ông Biden thậm chí trấn an rằng Washington có thể bù đắp "một phần đáng kể" năng lượng bị thiếu hụt.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại không nghĩ thế. "Việc hủy bỏ Nord Stream 2 chỉ khiến Nga mất tiền nhưng sẽ thực sự gây tổn hại cho Đức và LNG của Mỹ không thể bù đắp được sự thiếu hụt" - nhà cựu ngoại giao Canada Patrick Armstrong nhận định với hãng tin Sputnik (Nga) hôm 8-2. Cũng theo ông Armstrong, Đức đang mắc kẹt giữa áp lực mạnh mẽ của Mỹ về vấn đề áp đặt thêm biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga và lợi ích tự nhiên trong việc có quan hệ tốt với Moscow và nhập khẩu nhiều năng lượng cần thiết.
Trong khi đó, đại tá Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu Doug Macgregor cho rằng Thủ tướng Scholz khó có khả năng làm tổn hại đến mối quan hệ ngoại giao và thương mại đang nồng ấm giữa Đức và Nga.
Ông Macgregor giải thích: "Dường như Thủ tướng Scholz sẽ không khiến dự án Nord Stream 2 gặp rủi ro vì mối quan hệ kinh tế tích cực lâu nay giữa Đức và Nga và tác hại của hành động như thế đối với lợi ích của Berlin trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân".
Tuy nhiên, ông Macgregor cho rằng do mới nhậm chức, Thủ tướng Scholz có thể lo ngại nhiều hơn đến việc thách thức chính quyền Mỹ. "Ông ấy (Thủ tướng Scholz) có thể coi việc không làm gì trước các sự kiện ở Ukraina khiến mối quan hệ của Berlin với Washington gặp rủi ro" - ông Macgregor nói.