Khủng hoảng vì du lịch hè
Từ Italy đến Anh, anh Ferro chờ 3 giờ đồng hồ tại sân bay mới có thể nhận hành lý. Chiều trở về, anh bị hủy chuyến bay và không nhận được bồi thường.
Quy định phòng dịch được gỡ bỏ, tỷ lệ lây nhiễm giảm sâu và hầu hết người dân đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ. Theo CNN, đây chính là thời điểm để mọi người nghĩ đến việc du lịch.
Tuy nhiên, chuyến nghỉ ngơi mùa hè lại không hề diễn ra như nhiều người kỳ vọng. Giá vé máy bay ở mức rất cao, trong khi việc hoãn, hủy chuyến lại xảy ra liên tục. Hàng không dường như bị đánh gục bởi Covid-19 và giờ đây, ngành công nghiệp này tiếp tục không thể đối phó với sự ra đi của đại dịch.
Hàng không Anh gây thất vọng
Nhiều ngày qua, báo chí Anh liên tục đăng tải hình ảnh về những đống hành lý ngất ngưởng tại sân bay. Chắc chắn, không du khách nào muốn bỏ lại đồ đạc của mình. Họ bỏ cuộc vì không thể chờ đợi nhiều giờ để nhận hành lý.
Sự hỗn loạn đang ngày càng tồi tệ hơn. Ngày 23/6, sân bay Stansted ở ngoại ô London, trung tâm của hãng hàng không giá rẻ Ryanair, phải khuyến cáo hành khách rằng nên gửi hành lý trước 24h so với chuyến bay của họ.
Thông báo này khiến nhiều người dân bức xúc. Tuy nhiên, Ryanair ít nhất là không hủy chuyến. Hai hãng hàng không khác là easyJet và British Airways đã và đang hủy hàng chục chuyến bay mỗi ngày do tình trạng thiếu hụt nhân viên chưa từng có. Trùng hợp là vào giữa tháng 3, cả 2 hãng này đều yêu cầu hành khách bỏ khẩu trang trên chuyến bay của mình.
Ngày 30/3, anh Enrico Ferro cùng vợ con mua vé máy bay của hãng British Airways để từ Padua, Italy đến London du lịch. Khi đến nơi, họ mất 3 giờ đồng hồ để chờ hành lý.
"Chúng tôi dành nguyên ngày đầu tiên chỉ để ở sân bay", anh nói về kỳ nghỉ kéo dài 4 ngày của gia đình mình.
Thậm chí, chuyến bay trở về Venice của họ đã bị hủy. Thông báo chỉ được hãng hàng không đưa ra khi anh vừa đến sân bay. Gia đình anh phải mua vé khác để bay về Bologna lúc nửa đêm.
Ferro cho biết British Airways không hề nói về chính sách bồi thường. Anh khẳng định sẽ không bao giờ bay hãng hàng không này nữa.
"Tôi chọn British Airways vì giá rẻ. Tôi hy vọng dịch vụ của họ sẽ tốt, nhưng thực tế không như vậy".
British Airways không trả lời CNN về tình trạng nêu trên, nhưng đưa ra tuyên bố trên một trang du lịch: "Chúng tôi luôn đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý của mình".
Thiếu nhân sự là khó khăn chung của nhiều hãng hàng không tại Anh sau đại dịch.
Theo chia sẻ của một số nhân sự ngành hàng không, họ được công ty đề nghị quay trở lại công việc. Tuy nhiên, mức lương thấp và điều kiện tồi tệ khiến họ từ chối.
"Tôi đã có một công việc tốt hơn".
"Trừ khi các sân bay và hãng hàng không tăng chế độ, nếu không họ sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm nhân viên", vài người nói.
Theo ông Kully Sandhu, giám đốc điều hành Mạng lưới Tuyển dụng hàng không Anh, cho biết nhân sự ngành đã tìm thấy cơ hội việc làm ổn định và lương cao hơn trong bối cảnh đại dịch. Giờ đây, trong một thị trường đầy biến động, họ không còn mặn mà trở lại với nghề.
Ông dự đoán ngành hàng không sẽ mất tới 12 tháng để có lại lực lượng nhân viên tương đương giai đoạn trước dịch.
Hàng không Mỹ không khá hơn
Trong khi đó, tại Mỹ, trải nghiệm hàng không còn "tệ hại và đắt đỏ hơn" - đó là chia sẻ của ông Courtney Miller, giám đốc điều hành bộ phận phân tích của The Air Current.
Theo ông, nhu cầu di chuyển bằng hàng không đã ở mức 90% so với giai đoạn 2019. Tốc độ hồi phục nhanh chóng khiến các hãng hàng không không thể theo kịp.
"Các hãng bay liên tục hủy chuyến và giảm lịch trình. Nhiều người nhầm tưởng giá vé máy bay tăng cao do giá xăng. Nhưng vấn đề là lúc này, các hãng không thể đáp ứng được nhu cầu bay của tất cả", ông nói.
Để có một chuyến bay thuận lợi, ông Miller khuyên hành khách cần đặt chỗ càng sớm càng tốt. Hãng hàng không có xu hướng cắt giảm chuyến bay của những ai đăng ký muộn.
Còn theo ông Zane Kerby, chủ tịch Hiệp hội Cố vấn Du lịch Mỹ, du khách nên nhờ đến sự hỗ trợ của các tư vấn viên du lịch chuyên nghiệp để tránh được rủi ro trong mùa cao điểm.
"Các quy định luôn thay đổi, bạn cần một người giúp quan sát và lường trước những điều có thể xảy ra. Người đó cũng sẽ giúp bạn đăng ký lại và tìm chỗ ở mới trong trường hợp bị hoãn, hủy chuyến, nhất là đối với những chuyến đi quốc tế", ông cho hay.
Quá khó để thuê ôtô
Nếu bạn đã đến địa điểm du lịch và hành lý của bạn cũng may mắn như vậy, nỗi ám ảnh du lịch vẫn chưa kết thúc. Giờ đây, du khách rất khó khăn để thuê một chiếc xe hơi cho hành trình nghỉ ngơi của mình.
Sau đại dịch, chuỗi cung ứng vẫn chưa khôi phục hoàn toàn, đồng nghĩa với việc thế giới thiếu hụt những chiếc xe mới được sản xuất. Tất nhiên, các công ty cho thuê xe cũng đang vật lộn để lấp đầy đội xe của mình.
Thêm vào đó, họ vẫn còn lo lắng về đại dịch.
Theo ông Phil Partridge của công ty cho thuê xe Rhino Car Hire: "Các đại lý cho thuê ôtô vẫn do dự khi bổ sung xe. Họ lo sợ một biến thể khác của virus có thể tiếp tục tàn phá ngành công nghiệp du lịch".
Khi nhu cầu thuê xe vượt quá số lượng có sẵn tại các cơ sở dịch vụ, việc tăng giá thuê là điều dễ hiểu. Trước đây, tình trạng này không xuất hiện, kể cả trong những dịp lễ lớn của năm.
Ông Partridge gợi ý hành khách nên tìm thuê xe ở xa sân bay hoặc ga xe lửa, mặc dù phải bắt taxi để đi tìm địa điểm này. Việc này giúp họ dễ thuê xe với chi phí hợp lý hơn.
Quan trọng là hãy đặt thuê xe sớm nhất có thể. Ông khuyên mọi người cần đặt xe trước 8-24 tuần để có được ưu đãi tốt.
"Hãy đảm bảo bạn đặt chỗ sớm nhất. Ngoài ra, hãy chú ý kiểm tra mức giá định kỳ trước khi thuê. Giá thuê xe có thể tăng từng ngày. Bạn có thể hủy đặt xe nếu thấy giá tăng quá cao", ông nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khung-hoang-vi-du-lich-he-post1330401.html