Khung pháp lý tạo điều kiện cho nhà giáo ra nước ngoài học tập, giảng dạy

Hiện đã hình thành khung pháp lý cần thiết khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà giáo Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu...

Thầy trò Phenikaa School trong giờ học.

Thầy trò Phenikaa School trong giờ học.

Hợp tác quốc tế truyền thống trong phát triển nhà giáo phát huy rất hiệu quả

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết: Luật Giáo dục Việt Nam, kể từ văn bản đầu tiên năm 1998 đến văn bản hiện nay năm 2019, đều có quy định: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật theo hình thức tự túc hoặc bằng kinh phí do tổ chức, cá nhân trong nước cấp hoặc do tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ”.

Mới đây, quy định này đã được cụ thể hóa trong Nghị định 86 của Chính phủ ngày 25/9/2021 quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.

Như vậy, đã hình thành khung pháp lý cần thiết cho việc khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà giáo Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học.

Trên thực tế, kể cả trước đổi mới cho đến suốt tiến trình đổi mới giáo dục, chúng ta đã phát huy rất hiệu quả cơ chế hợp tác quốc tế truyền thống trong đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Đến nay để đẩy nhanh tiến trình chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, đặc biệt đối với giảng viên đại học, chúng ta đã có nhiều hình thức hợp tác quốc tế về nhà giáo, bao gồm: liên kết đào tạo bằng kinh phí viện trợ thông qua các thỏa thuận/hiệp định hợp tác song phương hoặc đa phương; liên kết đào tạo bằng ngân sách nhà nước (Đề án 322, Đề án 911, mới đây là Đề án 89); liên kết đào tạo ký kết giữa các cơ sở đào tạo của Việt Nam với các cơ sở đào tạo của nước ngoài.

Đặc biệt, với việc phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, đã có bước phát triển mạnh trong hợp tác quốc tế giữa các cơ sở giáo dục Việt Nam với cơ sở giáo dục nước ngoài thông qua các hình thức trao đổi nhà giáo, đào tạo dài hạn và ngắn hạn, tổ chức các lớp học chuyên đề, các hội nghị và hội thảo khoa học.

Tuy nhiên, cũng theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, bên cạnh những thành tựu về người Việt Nam ra nước ngoài để được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thì việc phát huy vai trò và qua đó nâng cao năng lực của nhà giáo Việt Nam ra nước ngoài trong giảng dạy, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học, tham gia các tổ chức giáo dục quốc tế còn hạn chế.

Đây là một vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới trong tiến trình xây dựng đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý bảo đảm sự nhất quán về chính sách khi cử nhà giáo Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy.

 TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến góp ý về thể chế, chính sách hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến góp ý về thể chế, chính sách hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Quan tâm nâng cao sự hiện diện của giáo dục Việt Nam trong khu vực, thế giới

Trao đổi về thể chế, chính sách về nhà giáo Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học theo cơ chế thương mại dịch vụ giáo dục, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết:

Theo thuật ngữ chuyên môn thì sự dịch chuyển xuyên biên giới của nhà giáo để cung ứng dịch vụ giáo dục theo cơ chế thương mại được gọi là hiện diện thể nhân.

Có hai loại hiện diện thể nhân. Một là nhà giáo ra nước ngoài với tư cách cá nhân để cung ứng dịch vụ giáo dục theo hợp đồng ký trực tiếp với đối tác nước ngoài. Hai là nhà giáo ra nước ngoài với tư cách thành viên trong tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục vì lợi nhuận được đầu tư ở nước ngoài.

Về thể chế, hiện Việt Nam đã có Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ban hành ngày 13/11/2020. Đối tượng áp dụng của Luật là người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nói chung và do đó cũng áp dụng cho nhà giáo thuộc diện hiện diện thể nhân nói trên.

Theo quy định của Luật này thì Nhà nước “khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về.

Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong một số ngành, nghề, công việc cụ thể có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc Việt Nam có ưu thế được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển ngành, nghề, công việc để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và sử dụng người lao động sau khi về nước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ”.

Tuy nhiên, với tư cách một nước về cơ bản là nhập khẩu giáo dục, thì thể chế, chính sách hợp tác quốc tế về giáo dục nói chung, nhà giáo nói riêng, vẫn tập trung chủ yếu vào những quy định liên quan đến sự hiện diện thương mại và hiện diện thể nhân của nước ngoài vào Việt Nam.

Chúng ta chưa có định hướng về mở văn phòng đại diện, xuất khẩu giáo dục ra nước ngoài. Vì thế cho đến nay sự hiện diện thể nhân của nhà giáo Việt Nam ở nước ngoài để cung ứng dịch vụ giáo dục theo cơ chế thương mại hầu như không có.

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, đây là một vấn đề rất cần có trao đổi, thảo luận và nghiên cứu sâu để có chính sách phù hợp trong thời gian tới nhằm nâng cao sự hiện diện của giáo dục Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khung-phap-ly-tao-dieu-kien-cho-nha-giao-ra-nuoc-ngoai-hoc-tap-giang-day-post691091.html