Khung pháp lý toàn diện cho việc thành lập, quản lý và vận hành các trung tâm công nghiệp văn hóa

Dự thảo Nghị quyết Quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (TTCNVH) đề xuất một khung pháp lý toàn diện cho việc thành lập, quản lý và vận hành các TTCNVH, nơi kết nối giữa di sản văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có giá trị cao.

Luật Thủ đô 2024

Người dân đến lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Khánh Huy

Người dân đến lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Khánh Huy

Manh nha những trung tâm công nghiệp văn hóa ở Thủ đô

Theo nội dung dự thảo, TTCNVH là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. TTCNVH được thành lập theo các mô hình tổ chức: doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, hợp tác xã.

Thực tế, trước đó ở Hà Nội đã manh nha các TTCNVH. Về mô hình này, có thể kể đến khu “hợp tác xã nghệ thuật” Zone 9 (Quận Hai Bà Trưng) xuất hiện năm 2013. Tiền thân của Zone 9 là một khu xí nghiệp bỏ hoang giữa lòng TP. Những nghệ sĩ đã chung tay tô vẽ, sửa sang lại không gian đổ nát này thành một hợp tác xã, một trung tâm văn hóa, nghệ thuật cho giới trẻ Hà Nội lúc bấy giờ. Chỉ trong khuôn viên vài khu nhà của nơi này đã tụ hội các quán cafe lớn nhỏ, hàng quần áo, lớp học Yoga, nhà riêng, studio chụp ảnh, quán bar, thậm chí cả thư viện.

Tuy nhiên, Zone 9 bị đóng cửa sau vụ hỏa hoạn sau một thời gian hoạt động. Sau đó, những năm 2015-2017, Hanoi Creative City (Quận Hai Bà Trưng) xuất hiện với mô hình 1 quần thể sáng tạo và nghệ thuật phá cách. Hanoi Creative City bao gồm trung tâm thương mại 20 tầng và khoảng sân rộng - được gọi là "Quảng trường sáng tạo" - nơi diễn ra các sự kiện sôi động như lễ hội âm nhạc, hội chợ ẩm thực, triển lãm, hội chợ thời trang.

Tiếp đó, Tổ hợp 60S Thổ Quan hay Sixty Square (quận Đống Đa) được cải tạo từ không gian khu biệt thự cổ kiểu Pháp, với hai tòa nhà được nối liền nhau bằng hành lang lộ thiên.

60S Thổ Quan từng quy tụ nhiều cửa hàng quần áo, quán trà, cà phê, tiệm cá cảnh, truyện tranh... Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện đa dạng như hội chợ, triển lãm, giới thiệu về kỹ thuật tráng phim, nghệ thuật múa rối, nhạc kịch, khiêu vũ, ký họa cộng đồng hay trình diễn thư pháp. 60S Thổ Quan thông báo dừng hoạt động từ đầu tháng 1/2021 sau 3 năm hình thành.

Mới nhất đây, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã biến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô thành các tổ hợp sáng tạo, trở thành nơi “đánh thức” các di sản, tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển văn hóa Thủ đô.

Tại các kỳ họp Quốc hội, Chính phủ luôn khẳng định, văn hóa không chỉ là nền tảng quan trọng về tinh thần mà còn là nền tảng quan trọng về vật chất như các ngành công nghiệp văn hóa… Để tiếp tục tạo bước đột phá trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu sớm đưa ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP (vào năm 2030) và 10% GRDP của TP (đến năm 2045).

Việc ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô. Những thay đổi tích cực về thể chế chính sách, đặc biệt là chính sách kinh tế trong văn hóa và khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư vốn trong, ngoài nước, công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã dần hình thành, thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 đánh thức các di sản đang ngủ yên. Ảnh: Khánh Huy

Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 đánh thức các di sản đang ngủ yên. Ảnh: Khánh Huy

Những chính sách thực tế mà người dân mong đợi

Từ một khu vực hoang hóa, cũ kỹ và đang ngủ quên, Zone 9, Hanoi Creative City… đều đã từng sống và cống hiến nhưng nhanh chóng lụi tàn bởi nhiều lý do. 10 ngày lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra, một không gian rất khác đã bao trùm lên di sản tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũng như khu vực xung quanh, các không gian di sản đã để không nhiều năm qua được đánh thức. Và không ai mong muốn không gian này vừa thức dậy đã lại tiếp tục “ngủ yên”.

Trước đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng, Luật Thủ đô 2024 sẽ tháo gỡ các quy định pháp luật. Ví dụ như phát triển công nghiệp văn hóa, vai trò của thành phần tư nhân vô cùng quan trọng, Nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi, thông thoáng. Còn tổ chức các hoạt động cụ thể phải do cả thành phần tư nhân.

Như vậy, Luật đưa các chính sách phù hợp, Nhà nước làm gì, làm đến đâu, tư nhân làm gì, làm đến đâu, nhà nước hỗ trợ gì cho tư nhân phát triển... và các chính sách này phải cụ thể bằng các quy định. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần quan tâm đến công nghiệp văn hóa bằng chính các hoạt động hết sức cụ thể; từ đó sự phát triển của công nghiệp văn hóa mới trở nên bền vững. Trong đó, giai đoạn đầu tiên, vai trò của Nhà nước rất lớn, về vốn, tạo ra sự định hướng, tạo ra hành lang pháp lý để trên cơ sở đó huy động được sự tham gia của các thành phần tư nhân.

“Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu tiên, còn giai đoạn sau này, để bền vững, chúng ta phải có sự tham gia của thành phần tư nhân vào đó, Nhà nước không thể làm mãi được. Chính vì thế, sự tham gia của thành phần tư nhân vào phát triển công nghiệp văn hóa sẽ đảm bảo cho sự phát triển văn hóa của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn và bền vững hơn” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân và cộng đồng. Văn bản pháp lý này nhằm triển khai thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô, hứa hẹn mở ra không gian mới cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa – một ngành kinh tế đầy tiềm năng đã được chứng minh thành công tại nhiều quốc gia phát triển.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất một khung pháp lý toàn diện cho việc thành lập, quản lý và vận hành các TTCNVH, nơi kết nối giữa di sản văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có giá trị cao.

Đây được coi là một bước đi quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi công năng các công trình cũ, không còn sử dụng hiệu quả thành không gian sáng tạo văn hóa mới, đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa - một động lực kinh tế mới của Thủ đô.

TTCNVH hoạt động theo các nguyên tắc tuân thủ pháp luật và quy định của thành phố Hà Nội; đảm bảo phát triển bền vững, kết hợp giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống với đổi mới sáng tạo; phát triển theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng.

Lĩnh vực hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa bao gồm quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.

Về nguồn lực, Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, kết hợp nguồn lực Nhà nước và tư nhân để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm văn hóa; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững. Hiệu quả đầu tư được tính toán hài hòa, dài hạn trên tổng thể lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và lợi ích của toàn xã hội.

Còn chị Nguyễn Lê Na, một nhà thiết kế trẻ sinh sống tại Hà Nội cho rằng, bấy lâu nay Hà Nội vẫn thiếu các trung tâm văn hóa, trung tâm vui chơi hoặc các TTCNVH. Kinh nghiệm thực tế bản thân, chị cho rằng những doanh nghiệp mới hoặc những đơn vị bước vào khởi nghiệp như chị sẽ gặp khó về nguồn gốn, các vấn đề pháp lý, đặc biệt là kiểm duyệt và cấp phép.

Trong dự thảo Nghị quyết Quy định về tổ chức và hoạt động của TTCNVH có các điều khoản tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa được quyền thuê công trình tài sản công để sử dụng làm trung tâm công nghiệp văn hóa.

Đồng thời dự thảo có đề cập đến chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa, theo đó, thành phố ưu tiên lập quy hoạch và bố trí quỹ đất; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa; huy động nguồn lực thực hiện các dự án phát triển công nghiệp văn hóa để giao hoặc cho trung tâm công nghiệp văn hóa thuê.

TTCNVH, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong TTCNVH được hưởng chính sách ưu đãi. TTCNVH được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa.

TTCNVH, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong TTCNVH được ngân sách Nhà nước các cấp của TP hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp văn hóa; hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của Thành phố.

“Với những chính sách ưu đãi như trong dự thảo Nghị quyết, những nhà khởi nghiệp như chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Bởi ngoài việc giảm bớt gánh nặng tài chính trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, chúng tôi còn được hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực… Đó hoàn toàn là những chính sách thực tế mà chúng tôi mong đợi”.

Nguyên Trang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khung-phap-ly-toan-dien-cho-viec-thanh-lap-quan-ly-va-van-hanh-cac-trung-tam-cong-nghiep-van-hoa-415973.html