Khuôn khổ pháp lý UNCLOS 1982 góp phần kiến tạo hòa bình tại Biển Đông
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có thể trở thành nguồn chất liệu phong phú để truyền thông khai thác, giải quyết các thách thức đang tồn tại nhiều năm qua một cách toàn diện ở Biển Đông.
Đây là ý kiến được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia 30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam do Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng 15.11.
Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật Hoàng Công Gia Khánh cho biết, cách đây đúng 30 năm, ngày 16.11.1994, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 chính thức có hiệu lực sau khi được quốc gia thứ 60 phê chuẩn.
UNCLOS 1982 quy định toàn diện các vấn đề pháp lý quốc tế về biển và đại dương, là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất để các quốc gia xác lập, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; quyền, nghĩa vụ và các tự do khác trong quá trình quản trị, khai thác, sử dụng biển và đại dương vì mục đích hòa bình.
Đây cũng là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhất để các tổ chức quốc tế liên chính phủ, đặc biệt là Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tổ chức Nông lương thực thế giới (FAO) ban hành các văn kiện chính trị, điều ước quốc tế về hàng hải, hàng không, thương mại quốc tế, an ninh biển, quản lý, bảo tồn, khai thác thủy sản và bảo vệ môi trường biển.
UNCLOS 1982 được coi là "Hiến pháp về biển và đại dương" của cộng đồng quốc tế, điều ước quốc tế toàn cầu có tầm quan trọng thứ hai sau Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật cho rằng, UNCLOS 1982 cần phải thay đổi để tiếp tục hoàn thiện để phát huy giá trị pháp lý quốc tế phổ quát của nó trong hiện tại và tương lai. Bởi, có sự thay đổi không ngừng của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ hàng hải, hàng không; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển và đại dương; biến đổi khí hậu; sự phát triển của thương mại quốc tế; sự thay đổi nhanh chóng của địa chính trị quốc tế…
Nhìn nhận và khẳng định trong thời điểm thế giới xảy ra nhiều biến động thì giá trị của UNCLOS 1982 càng phát huy giá trị, theo Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh Mai Ngọc Phước, những chia sẻ, góc nhìn mang tính thực tiễn nhất của các chuyên gia về vai trò, đóng góp của UNCLOS sẽ giúp Việt Nam tiếp tục theo đuổi một cách hiệu quả UNCLOS 1982 trong những thập niên tiếp theo, nhất là khi đặt trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông còn phức tạp, đòi hỏi nhiều nỗ lực, sự quyết liệt, linh hoạt và khéo léo.
Chia sẻ góc nhìn về việc áp dụng UNCLOS trong báo chí, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thái Bình cho rằng, báo chí cần tập trung khai thác nhiều hơn nữa các giải pháp từ UNCLOS khơi gợi, tạo ra những tuyến bài phân tích, chuyên sâu, toàn diện, có giá trị xây dựng, góp phần kiến tạo hòa bình tại Biển Đông.
Việc tìm ra các giải pháp cho vấn đề an toàn, an ninh hàng hải cùng với phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, phát triển bền vững… hoàn toàn có thể nhìn từ UNCLOS.
Công ước này có thể trở thành nguồn chất liệu phong phú để truyền thông khai thác, giải quyết các thách thức đang tồn tại nhiều năm qua một cách toàn diện ở Biển Đông.