Khuyến cáo mới về bệnh cúm mùa

Dịch cúm đang bùng phát ở Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không nên tự mua test xét nghiệm cúm tại nhà và tự mua thuốc về điều trị khi có nghi ngờ mắc cúm.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A).

Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Theo ThS.BS Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Medlatec, triệu chứng đặc trưng cúm là sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, đau mỏi mình mẩy, viêm họng, chảy nước mũi, nhưng có thể nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường và cúm. Vì vậy, người nghi ngờ mắc cúm phải đến thăm khám tại cơ sở y tế, làm xét nghiệm - đây được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán cúm.

"Việc chẩn đoán chính xác cúm có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh để làm giảm việc sử dụng kháng sinh không đúng và lựa chọn liệu pháp kháng virus. Đồng thời, chẩn đoán kịp thời bệnh nhân được cách ly và điều trị, nên hạn chế biến chứng và khả năng lây lan ra cộng đồng, người xung quanh", BS Tùng nhấn mạnh.

4 khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống bệnh cúm mùa.

4 khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống bệnh cúm mùa.

Theo BS Tùng, thông thường, việc chỉ định làm xét nghiệm cúm được chia thành các nhóm sau: Người có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp; người đã mắc bệnh có biểu hiện lâm sàng cúm, xét nghiệm dương tính khẳng định nhiễm virus cúm A (H1N1); người lành mang virus, thường không có biểu hiện lâm sàng nhưng xét nghiệm có cúm A (H1N1).

Hiện nay nhiều người vẫn cho rằng cúm là bệnh thông thường, có thể tự khỏi, hoặc nhầm lẫn với cảm xoàng, đó là suy nghĩ sai lầm và chủ quan, dẫn đến lơ là trong phòng ngừa và điều trị, tăng nguy cơ biến chứng nặng gây tử vong hoặc gánh chịu các di chứng bệnh tật nặng nề.

Năm 2019 cả nước ghi nhận gần 409.000 trường hợp mắc cúm, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Cúm có thể gây biến chứng nặng trên hệ hô hấp, biến chứng ở hệ thần kinh trung ương hoặc suy đa cơ quan như: viêm phổi, suy hô hấp, viêm não, viêm cơ tim, suy gan, suy thận… Cúm “châm ngòi” các bệnh lý tim mạch ở trẻ em và người lớn như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và gây nặng hơn các bệnh lý ở người có sẵn bệnh hen suyễn, đái tháo đường, thuyên tắc phổi mãn tính COPD.

Virus cúm gây gia tăng từ 6-10 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim, tăng 100 lần nguy cơ viêm phổi, thúc đẩy những cơn kịch phát ở bệnh nhân COPD, hen suyễn,...

Hiện nay, dịch COVID-19 đang gia tăng trở lại, nếu đồng nhiễm cùng lúc cúm và COVID-19 nguy cơ tăng mức độ biến chứng nặng, dẫn đến khó khăn trong công tác điều trị, nguy cơ tử vong tăng cao.

Đặc biệt, có nhiều người tự mua thuốc về điều trị cúm, điều này rất nguy hiểm. Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/khuyen-cao-moi-ve-benh-cum-mua-i663358/