Khuyến cáo người dân không nên lạm dụng cà phê
Mới đây, một nam thanh niên 22 tuổi (ở thành phố Hồ Chí Minh) sau khi uống 3 ly cà phê bất ngờ bị co cứng tay chân, ngã xuống đường khi đang lái xe và được người xung quanh đưa đi cấp cứu.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mất ý thức, gồng cứng toàn thân, mắt lờ đờ, tim đập nhanh, hạ thân nhiệt… do bị “say” cà phê. Sau 3 giờ cấp cứu giúp đào thải chất caffeine ra khỏi cơ thể, bệnh nhân đã tỉnh táo trở lại.
Trước sự việc trên, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, cà phê có chứa caffeine là một đồ uống liệt vào chất kích thích không khuyến khích uống quá nhiều, không nên uống liên tục trong một ngày. Việc uống cà phê cần được kiểm soát phù hợp với sức khỏe, thể trạng, bệnh tật của từng người. Có người uống cà phê để tỉnh táo, sảng khoái nhưng có người uống lại mất ngủ. Người đang bị mất ngủ, lo âu nếu uống cà phê sẽ rất nguy hiểm. Tương tự, người mắc các bệnh tim mạch uống cà phê sẽ làm tăng nhịp tim, rối loạn nhịp tim...
Nhiều chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, cà phê chứa caffeine nên có tác dụng kích thích hưng phấn hệ thần kinh trung ương, hoạt động tim mạch. Trong cà phê lượng caffeine là 0,6-2,4%, do đó, những người đang mắc các bệnh lý thì nên tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng. Còn với những người bình thường mỗi ngày chỉ nên uống 1-2 ly.
Riêng người “say” cà phê dẫn đến hồi hộp, tim đập nhanh, bồn chồn hoặc co giật... cần hạn chế hoặc không sử dụng. Để giữ cho tinh thần tỉnh táo cần có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thư giãn, tự giảm tải các áp lực cho chính mình, chứ không nên lạm dụng cà phê.