Khuyến công Cà Mau: Vốn nhỏ, động lực lớn

Thời gian qua, nhờ hiệu quả của chương trình khuyến công, vai trò của công nghiệp nông thôn Cà Mau tăng lên đáng kể, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh. Dù nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ không nhiều so với tổng mức đầu tư của các cơ sở nhưng đã phát huy tốt vai trò là nguồn vốn ban đầu; khuyến khích các cơ sở mạnh dạn đầu tư, sản xuất.

1 đồng vốn khuyến công thu hút được 5 đồng vốn đầu tư

Từ khi Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công được ban hành đến nay, qua 15 năm, chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho hơn 1.000 lao động nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trung bình đạt trên 90%… Đã tổ chức 6 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, tham gia 5 cuộc bình chọn cấp khu vực và 4 cuộc bình chọn cấp quốc gia. Tôn vinh 110 sản phẩm cấp tỉnh, 28 sản phẩm cấp khu vực và 11 sản phẩm cấp quốc gia có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất. Tổ chức 15 đoàn công tác học tập nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp địa phương tại các tỉnh bạn.

Dù nguồn vốn khuyến công chưa lớn nhưng là động lực vững chắc cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất. Nguồn: ITN

Dù nguồn vốn khuyến công chưa lớn nhưng là động lực vững chắc cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất. Nguồn: ITN

Riêng năm 2023, kế hoạch khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau được phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện 10,9 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 4,5 tỷ đồng, nguồn vốn huy động các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 6,4 tỷ đồng. Hoạt động khuyến công tập trung vào các nội dung: đào tạo nghề, truyền nghề; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; xây dựng các mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Cùng với đó, hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, sản phẩm chủ lực của tỉnh...

Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho biết, dù nguồn kinh phí hỗ trợ không nhiều so với tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn nhưng chương trình khuyến công đã phát huy tốt vai trò là nguồn vốn ban đầu, khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh… Trung bình cứ 1 đồng vốn từ ngân sách nhà nước thu hút được khoảng 5 đồng vốn đầu tư của cơ sở công nghiệp nông thôn. Đây là con số đáng ghi nhận về hiệu quả đầu tư của chương trình, nhất là ở các nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Việc triển khai hiệu quả chính sách khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư đúng, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Đặc biệt, nhận thức của các cấp, các ngành, và của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, vị trí hoạt động khuyến công đã ngày càng được nâng cao.

Tập trung 3 nhóm giải pháp chính

Tuy nhiên, địa phương vẫn còn một số khó khăn khi triển khai cá đề án khuyến công, bởi phần lớn các cơ sở công nghiệp nông thôn của tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, khả năng quản trị còn kém, sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên… Vì vậy, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiêu thụ, nhất là vấn đề mẫu mã, bao bì sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ các hoạt động khuyến công, nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Sở sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ, giải pháp chính.

Đầu tiên, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn; thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn và hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Thứ hai, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới lưu thông, bảo quản, chế biến, logistics, thương mại điện tử ở nông thôn; Phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề phù hợp với quy hoạch của tỉnh; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động.

Trúc Oanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/khuyen-cong-ca-mau-von-nho-dong-luc-lon-i346397/