Khuyến công Cao Bằng: Hiệu quả lớn bắt đầu từ những đề án nhỏ

Bắt đầu từ những đề án nhỏ, khuyến công Cao Bằng đã và đang giúp sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn hòa nhịp tăng trưởng cùng kinh tế địa phương.

Đề án nhỏ hiệu quả lớn

Tại Phường Thục Phán (thành phố Cao Bằng), Hợp tác xã nông nghiệp Yên Công được hỗ trợ đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản nấm hương từ nguồn khuyến công địa phương. Với sản lượng nấm khoảng 50 tấn mỗi năm, nhu cầu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch là rất lớn. Nhờ có kho lạnh, tỷ lệ hư hỏng nấm giảm đáng kể, chất lượng sản phẩm được nâng lên, giúp hợp tác xã dễ dàng tiếp cận thị trường lớn hơn trong và ngoài tỉnh.

Tương tự, Công ty TNHH Cao Tuyền - cơ sở sản xuất bún khô truyền thống, cũng nhận được hỗ trợ 200 triệu đồng để đầu tư máy ép bún. Nhờ ứng dụng công nghệ thay cho sản xuất thủ công, năng suất tăng rõ rệt, chất lượng ổn định, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm với mức thu nhập ổn định 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác xã nông nghiệp Yên Công và Công ty TNHH Cao Tuyền là hai trong số nhiều đề án được khuyến công Cao Bằng hỗ trợ trong những năm qua. Mỗi đề án thành công góp sức thay đổi sản xuất công nghiệp ở kuh vực nông thôn của Cao Bằng.

Hợp tác xã nông nghiệp Yên Công được hỗ trợ hệ thống kho lạnh bảo quản nấm hương từ nguồn khuyến công địa phương. Ảnh: Tiến Mạnh

Hợp tác xã nông nghiệp Yên Công được hỗ trợ hệ thống kho lạnh bảo quản nấm hương từ nguồn khuyến công địa phương. Ảnh: Tiến Mạnh

Không dừng ở đó, khuyến công còn góp phần định vị thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tỉnh đã tổ chức một cuộc bình chọn cấp tỉnh trong giai đoạn 2021- 2025, kết quả có 19 sản phẩm của 17 cơ sở được công nhận, trong đó có 6 sản phẩm đạt cấp khu vực và 3 sản phẩm vinh dự đạt cấp quốc gia. Miến dong, khẩu sli, chè Giảo cổ lam, trúc mỹ nghệ… đã vượt qua giới hạn “làng xã” để góp mặt tại các chuỗi siêu thị lớn như AEON, VinMart, Lotte Mart – điều mà vài năm trước vẫn còn là giấc mơ xa vời với nhiều doanh nghiệp nhỏ nơi biên giới.

Bắt đầu từ những đề án nhỏ, khuyến công Cao Bằng đã tích lũy và ghi dấu hiệu quả bằng những con số ấn tượng. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2021 - 2025, chương trình khuyến công tỉnh Cao Bằng đã triển khai tổng cộng 23 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 4,36 tỷ đồng, huy động vốn đầu tư xã hội 15,2 tỷ đồng và 10,8 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Trong đó, 7 đề án từ nguồn khuyến công quốc gia hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng; 16 đề án từ nguồn địa phương tập trung vào hỗ trợ ứng dụng công nghệ và đào tạo nghề. Mỗi con số đều phản ánh nỗ lực kiên trì trong bối cảnh địa phương còn nhiều khó khăn về hạ tầng, tài chính và trình độ kỹ thuật.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Gian hàng tỉnh Cao Bằng tại các sự kiện lớn như Hội chợ Xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch tại Nghệ An… đã thu hút đông đảo người tiêu dùng, tạo cơ hội cho sản phẩm địa phương vươn xa khỏi ranh giới địa phương, vươn ra thị trường khu vực và cả nước.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo cán bộ khuyến công cũng được chú trọng. Nhiều cán bộ được cử đi tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh bạn. Mạng lưới khuyến công đang từng bước chuyên nghiệp hóa, làm cầu nối hữu hiệu giữa chính sách và thực tiễn sản xuất.

San bằng lực cản, tạo sức bật mới

Dẫu có nhiều kết quả tích cực, công tác khuyến công Cao Bằng vẫn chưa hết lực cản. Phần lớn các cơ sở được hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản trị và khó tiếp cận công nghệ mới. Một số đề án chưa thể triển khai do thiếu mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật yếu kém, hoặc doanh nghiệp e ngại thủ tục rườm rà, mức hỗ trợ thấp.

Hơn nữa, mạng lưới cộng tác viên khuyến công chưa hình thành đầy đủ, khiến việc tuyên truyền chính sách, hướng dẫn tiếp cận nguồn lực vẫn còn hạn chế, thiếu chiều sâu. Nhiều cơ sở sản xuất chưa biết đến hoặc chưa tin tưởng vào hiệu quả thực sự của chương trình.

Những khó khăn trên cộng hưởng cùng những yêu cầu phải thay đổi trong phương thức triển khai, đối tượng thụ hưởng… sẽ tạo những thách thức, buộc Cao Bằng phải tìm cách tháo gỡ nhằm gỡ khó đồng thời tạo lực đẩy mạnh mẽ hơn cho công tác khuyến công.

Theo đó, Cao Bằng đang đề xuất nhiều giải pháp thiết thực. Theo đó, địa phương hoàn thiện chính sách hỗ trợ, tăng mức kinh phí, đơn giản hóa thủ tục, mở rộng mạng lưới cộng tác viên đến tận cơ sở.

Kết hợp khuyến công với các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi số nhằm có thêm nguồn lực cho triển khai chương trình. Đồng thời, tỉnh cũng đặt mục tiêu kiện toàn Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực quản lý từ tỉnh đến huyện, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp.

Có thể thấy, qua nhiều năm triển khai công tác khuyến công không chỉ là chương trình hỗ trợ mà còn là người bạn đồng hành giúp các cơ sở sản xuất tự vươn lên, cải tiến công nghệ, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh. Trong dài hạn, với những yêu cầu mới của ngành công nghiệp nói riêng, kinh tế địa phương nói chung, sự thay đổi mang tính chất chiến lược của khuyến công là cần thiết.

Giai đoạn 2021 - 2025, chương trình khuyến công tỉnh Cao Bằng đã triển khai tổng cộng 23 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 4,36 tỷ đồng, huy động vốn đầu tư xã hội 15,2 tỷ đồng và 10,8 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khuyen-cong-cao-bang-hieu-qua-lon-bat-dau-tu-nhung-de-an-nho-411718.html