Khuyến công khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Nhiều nhiệm vụ cho các tháng cuối năm
Trải qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần thực hiện đối với các Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công, các tổ chức dịch vụ khuyến công trong khu vực Miền Trung - Tây Nguyên trong các tháng cuối năm 2020. Trong đó, tăng cường trao đổi, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.
Theo Cục Công Thương địa phương, sáu tháng cuối năm 2020, dự báo tình hình kinh tế thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, với những thời cơ thuận lợi đan xen nhiều khó khăn, thách thức. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và đặc biệt là dịch Covid-19 dự kiến vẫn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển sản xuất, thương mại trong nước.
Ông Dương Quốc Trịnh - Cục phó Cục Công Thương địa phương - cho hay, khu vực miền Trung - Tây Nguyên mặc dù gặp nhiều khó khăn, song cũng có những yếu tố thuận lợi và cơ hội để bứt phá trong thời gian tới. Đây là những yếu tố quan trọng để các hoạt động khuyến công trên cả nước và khu vực miền Trung - Tây Nguyên có cơ sở triển khai sâu rộng; hỗ trợ tích cực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tận dụng cơ hội, nhanh chóng tổ chức, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020 cũng như trong giai đoạn tiếp theo.
Nhiệm vụ được đặt ra cho công tác khuyến công các tháng cuối năm 2020 cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên là phấn đấu thực hiện hoàn thành 100% các đề án khuyến công quốc gia (KCQG) và khuyến công địa phương (KCĐP) đã được giao; đảm bảo xây dựng, đăng ký các đề án, nhiệm vụ KCQG năm 2021 đúng thời hạn, có chất lượng; tập trung xây dựng các đề án nhóm, phấn đấu xây dựng được đề án điểm…
Trên cơ sở rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm, để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2020, trong các tháng còn lại, Cục Công Thương địa phương cũng đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chính.
Trong đó, về cơ chế chính sách: Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, đặc biệt Văn bản số 2990 ngày 28/4/2020 của Bộ Công Thương về việc đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện kế hoạch KCQG năm 2020 nhằm đẩy mạnh các hoạt động khuyến công trong tình hình mới; Ban hành quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế kỹ thuật của các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác trong đó có các hoạt động khuyến công thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến văn bản, quy định về công tác khuyến công để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các đề án KCQG trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành đúng yêu cầu và nội dung hợp đồng đã ký.
Đặc biệt, Cục Công Thương địa phương chỉ đạo bám sát diễn biến tình hình của cơ sở CNNT, đặc biệt là các đối tượng tại vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh gặp vướng mắc trong triển khai đúng tiến độ đề án; thường xuyên có báo cáo về Bộ Công Thương (qua Cục CTĐP) để xem xét, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch kinh phí KCQG năm 2020. Sở Công Thương tham mưu UBND cấp tỉnh tăng cường bố trí ngân sách địa phương cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn.
"Cần tăng cường trao đổi, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công; tập trung hỗ trợ nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến nhằm giúp các cơ sở CNNT tạo ra được những sản phẩm tiêu biểu, có chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác. Nâng cao năng lực tư vấn phát triển công nghiệp nông thôn của các tổ chức dịch vụ công, tạo nguồn thu và hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả” - ông Trịnh cho hay.