Khuyến công Sóc Trăng hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn

Việc đầu tư mới máy móc, các trang thiết bị tiên tiến, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại là nhu cầu thiết yếu của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên nhiều doanh nghiệp đã không đủ sức đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất. Thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) theo hướng bền vững, phát triển sản phẩm từ chất lượng đến bao bì... góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Sở Công Thương Sóc Trăng chỉ đạo Trung tâm thông qua nguồn vốn khuyến công, kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ, đặc biệt là tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đầu tư trang thiết bị phát triển SXKD, khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng kiểm tra việc vận hành máy in date tại cơ sở sản xuất bánh kẹo Hiệp Phong. Ảnh: H.LAN

Điển hình là cơ sở sản xuất bánh kẹo Hiệp Phong, Phường 2, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng). Qua chương trình khuyến công địa phương, năm 2021, Trung tâm đã hỗ trợ cơ sở đầu tư mua sắm mới máy in date, máy đóng gói, máy trộn bột với công nghệ mới, hiện đại được nhập khẩu từ nước ngoài, với tổng kinh phí đầu tư là 523 triệu đồng, trong đó nguồn khuyến công địa phương hỗ trợ 210 triệu đồng, phần còn lại là doanh nghiệp đối ứng. Việc hỗ trợ đầu tư các máy móc, thiết bị tiên tiến, đã giúp doanh nghiệp cải tiến, đổi mới mẫu mã bao bì, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, giúp cơ sở phấn đấu đạt chất lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, góp phần cùng địa phương xây dựng thêm nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao hơn trong thời gian tới.

Anh Trương Văn Thành - chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Hiệp Phong phấn khởi cho biết, cơ sở có truyền thống sản xuất bánh kẹo nhưng chủ yếu làm thủ công, dần dần đầu tư thêm máy móc nhưng qua thời gian đều lạc hậu vì công nghệ cũ kỹ, nên nhiều công đoạn rất mất thời gian như máy in date, trộn bột nên năng suất đạt không cao. Nay được sự hỗ trợ 3 máy mới, với công nghệ hiện đại, cơ sở chắc chắn sẽ tăng thêm năng suất, mẫu mã được cải thiện đẹp hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường và sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tăng lợi nhuận trong tương lai gần.

Trong năm 2021, trung tâm thực hiện 13 đề án khuyến công, trong đó có 10 đề án hỗ trợ 12 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất với tổng kinh phí thực hiện trên 5,3 tỉ đồng, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 3 cơ sở sản xuất với kinh phí hỗ trợ là 900 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ trên 1,6 tỉ đồng. Việc hỗ trợ sẽ giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh từng bước khắc phục những khó khăn, khôi phục hoạt động SXKD sau thời gian giãn cách xã hội; góp phần giúp doanh nghiệp, cơ sở SXKD sớm ổn định sản xuất, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người lao động trong trạng thái bình thường mới.

Đặc biệt, trung tâm đã tham mưu Sở Công Thương, UBND tỉnh Sóc Trăng thực hiện hoàn thành Đề án Tổ chức bình chọn và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Sóc Trăng, năm 2021. Dự kiến có khoảng 20 sản phẩm công nghiệp nông thôn được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021, trên cơ sở đó sẽ lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh để tham gia bình chọn sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia. Việc tổ chức bình chọn và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sẽ tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động và thỏa mãn các yêu cầu bảo vệ môi trường, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại địa phương, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, công tác khuyến công của tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất một cách bền vững; tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các cơ sở sản xuất có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, các ngành chế biến sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... Qua đó, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, công nghệ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

H.LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/cong-nghiep/khuyen-cong-soc-trang-ho-tro-phat-trien-san-pham-cong-nghiep-nong-thon-53822.html