Khuyến công tiếp sức doanh nghiệp

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, kinh doanh, sự hỗ trợ tích cực từ đề án khuyến công đã góp phần giúp nhiều DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và hỗ trợ thiết bị, máy móc, đề án đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh.

TIẾP SỨC DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN SÂU

Cơ sở sản xuất tiêu sạch Cô Hai, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập là một trong những cơ sở tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu tiêu sạch cho từng loại sản phẩm của mình. Hiện cơ sở có 3 nhóm sản phẩm chính là hạt tiêu đen, tiêu sọ và muối tiêu. Tất cả đều đạt tiêu chuẩn mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao và được bình chọn là sản phẩm công nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu năm 2021.

Chị Võ Thị Hiền, chủ cơ sở cho biết, để có một sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, nguồn nguyên liệu đầu vào phải là những vườn tiêu đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm như không có tàn dư thuốc bảo vệ thực vật, đất trồng tiêu phải xa khu dân cư, không bị ô nhiễm bởi nguồn nước hay phân hóa học. Tuy nhiên, điều quan trọng thứ 2 là phải áp dụng công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm.

Năm 2021, từ nguồn vốn hỗ trợ của đề án khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ 23 DN, cơ sở sản xuất CNNT thực hiện việc chuyển đổi dây chuyền sản xuất, lắp đặt trang thiết bị, máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Với sự tiếp sức từ đề án khuyến công, năm 2021, Bình Phước đã có 7 sản phẩm được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia trên các lĩnh vực.

Năm 2021, được hỗ trợ 200 triệu đồng từ đề án khuyến công quốc gia, cơ sở đã đầu tư máy đóng gói hạt tiêu tự động cho ra những sản phẩm nhỏ, gọn, tiện lợi cho việc phục vụ bữa ăn nhanh trên các chuyến bay hay nhà hàng. Điều này mở ra cơ hội mới cho cơ sở phát triển. “Máy đóng gói hạt tiêu có công nghệ tiên tiến, hiện đại tạo ra sản phẩm có độ chính xác cao, đạt chất lượng về kiểu dáng và mẫu mã. Từ khi sử dụng máy đóng gói tự động giúp cơ sở giảm chi phí về thời gian, nhân công, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện các sản phẩm tiêu sạch Cô Hai được tiêu thụ tại 20 tỉnh, thành trong nước và đã có mặt tại 3 nước châu Âu” - chị Hiền tự hào.

Ngoài sản phẩm hạt tiêu đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, mới đây mít sấy của cơ sở Cô Hai cũng được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu nhờ ứng dụng công nghệ sấy chân không, không sử dụng chất bảo quản, giúp sản phẩm giữ được hương vị tự nhiên. Việc ứng dụng công nghệ sấy tự động đã giúp cơ sở nâng sản lượng đạt 1,5 tấn/năm, gấp 20 lần so với sấy thủ công trước đây.

HỖ TRỢ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Không chỉ hỗ trợ máy móc, trang thiết bị giúp DN chế biến sâu, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… từ đề án khuyến công đã tiếp sức cho các cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19.

Sản phẩm mật ong Sông Bé, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2021

Sản phẩm mật ong Sông Bé, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2021

Bình Phước có nhiều tiềm năng và lợi thế cho việc sản xuất chế biến mật ong nguyên chất, nhưng thời gian qua, giá trị kinh tế không cao, chủ yếu xuất thô, lại không có thương hiệu, nên ông Vũ Tiến Hoàng, chủ cơ sở sản xuất mật ong Sông Bé rất quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho mật ong Bình Phước. Năm 2021, với sự hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm từ đề án khuyến công địa phương và các sở, ngành liên quan đã giúp cơ sở từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm mật ong nguyên chất đạt tiêu chuẩn 3 sao và sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2021. Đây là yếu tố quan trọng giúp cơ sở trụ vững trong thời kỳ dịch bệnh.

“Xây dựng thương hiệu là việc phải làm, trong đó trách nhiệm của người nuôi và người chế biến được đặt lên trên hết. Khi đã có thương hiệu thì việc tiếp theo là đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại để sản phẩm đến tay người tiêu dùng” - ông Vũ Tiến Hoàng chia sẻ về lộ trình để sản phẩm mật ong của mình vươn xa.

6,4 TỶ ĐỒNG HỖ TRỢ ĐỀ ÁN KHUYẾN CÔNG 2022

Năm 2022, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện 15 đề án khuyến công địa phương với tổng vốn 6,4 tỷ đồng, trong đó có đề án bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu và hỗ trợ ứng dụng máy phân loại màu hạt điều trắng trong chế biến xuất khẩu cho các DN, cơ sở sản xuất chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Bình Phước; quản lý và vận hành website của trung tâm và hỗ trợ DN tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại.

Hỗ trợ máy bắn màu cho doanh nghiệp chế biến điều huyện Bù Đốp

Hỗ trợ máy bắn màu cho doanh nghiệp chế biến điều huyện Bù Đốp

“Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức cho 6 DN, cơ sở sản xuất CNNT tham gia Hội chợ triển lãm thương mại sản phẩm OCOP tại tỉnh Trà Vinh. Đây là hội chợ cấp khu vực có quy mô lớn, thu hút nhiều địa phương tham gia. Tại hội chợ, nhiều sản phẩm tiêu biểu của các cơ sở CNNT đã được các đối tác ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, thông qua các siêu thị và cửa hàng phân phối. Tới đây, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất CNNT tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực phía Nam tại tỉnh Tây Ninh” - bà Nguyễn Thị Sáu, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước thông tin thêm.

Đức Hiến

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/132923/khuyen-cong-tiep-suc-doanh-nghiep