Khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng APEC lần thứ 13 (EMM 13), Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có buổi làm việc song phương với các đối tác, bao gồm: ông Tan See Leng, Bộ trưởng Nhân lực, kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore; bà Laura Lochman, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ và bà Melanie Nakagawa, Phó Chủ tịch Tập đoàn Microsoft.
Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng APEC lần thứ 13 (EMM 13) là hội nghị Bộ trưởng Năng lượng APEC đầu tiên được tổ chức sau 8 năm gián đoạn (kể từ năm 2015 tại Philippines), các đối tác đã nhân dịp này chủ động đề xuất gặp Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Sinh Nhật Tân để trao đổi về các mục tiêu và Kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) của Việt Nam, từ đó tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Chia sẻ với các đối tác, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh việc Chính phủ Việt Nam nói chung, và Bộ Công Thương nói riêng, luôn hoan nghênh, khuyến khích và tạo điều kiện cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo, hợp tác chuyển giao công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng và nguyên nhiên liệu tại Việt Nam.
Một số lĩnh vực Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm (i) hợp tác trong nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ năng lượng, đặc biệt là công nghệ sản xuất điện năng quy mô lớn từ các nguồn năng lượng sơ cấp mới như hydrogen, ammoniac, công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, công nghệ hấp thụ và lưu trữ CO2, v.v…;(ii) phát triển lưới điện thông minh; (iii) hiện đại hóa hệ thống điều độ hệ thống điện, điều hành thị trường điện nhằm tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo và (iv) các giải pháp công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với quan tâm của các đối tác về Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII của Việt Nam, Thứ trưởng cho biết hiện nay, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương đã tổ chức xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII và dự kiến đến cuối tháng 8/2023, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ thông qua Kế hoạch này.
Theo đó, mục tiêu phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo sẽ đạt tỉ lệ khoảng từ 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Về các phương án phát triển nguồn điện cụ thể, đến năm 2030, công suất điện gió trên bờ đạt 21.880, định hướng năm 2050 đạt 60.050 - 77.050 MW; công suất điện gió ngoài khơi khoảng 6.000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 - 91.500 MW; công suất điện mặt trời, đạt 20.591 MW tới năm 2030; định hướng đến năm 2050, tổng công suất đạt khoảng từ 168.594 - 189.294 MW.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn, định hướng năm 2050 đạt 6.015 MW.
Bên cạnh các nội dung liên quan đến Quy hoạch điện VIII, tại các cuộc gặp song phương lần này, các Đối tác cũng bày tỏ sự quan tâm đối với dự thảo cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) của Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế DPPA được dựa trên cơ sở báo cáo của Tư vấn quốc tế kết hợp với việc rà soát tính đáp ứng các tiêu chí: vừa đảm bảo tính khả thi về mặt vận hành hệ thống điện vừa phù hợp với thiết kế của thị trường điện tại Việt Nam, đồng thời đồng bộ với Luật Giá (sửa đổi) vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 19/6/2023.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục tham vấn trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm sớm hoàn thiện việc xây dựng cơ chế DPPA, góp phần thu hút vốn đầu tư vào việc phát triển năng lượng tái tạo.