Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Nếu Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) của Bộ Tài chính được Chính phủ và Quốc hội thông qua, tới đây, sẽ có 5 trường hợp được miễn thuế. Điểm nhấn của Dự thảo là tập trung khuyến khích phát triển đất trồng lúa, đất giao cho hộ nghèo, cộng đồng dân cư, đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp…

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thời hạn miễn, giảm thuế SDĐNN từ ngày 1-1-2021 đến 31-12-2030. Kể từ ngày 1-1-2021, đối tượng được miễn, giảm thuế SDĐNN không quy định tại Nghị quyết này thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Thuế SDĐNN. Bộ Tài chính nhận định, việc liên tục mở rộng đối tượng và diện tích đất được miễn, giảm thuế SDĐNN từ 2003 đến nay đã góp phần mang lại sự ưu đãi hợp lý đối với những đối tượng sử dụng nhiều đất vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Cụ thể, các trường hợp được đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm:

Thứ nhất, miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm mà chưa chuyển sang thuê đất.

Thứ hai, miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.

Thứ ba, miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo, cộng đồng dân cư.

Thứ tư, miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng là: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất; Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật; Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền SDĐNN của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật Hợp tác xã.

Thứ năm, miễn thuế SDĐNN đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.

Việc giảm thuế sẽ giúp góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, chăn nuôi. (Ảnh: G.B)

Việc giảm thuế sẽ giúp góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, chăn nuôi. (Ảnh: G.B)

Tổ chức được Nhà nước giao đất nông nghiệp nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai; trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì phải nộp 100% thuế.

Với đề xuất miễn, giảm thuế SDĐNN cho giai đoạn 2021-2030 như quy định hiện hành thì số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Không chỉ bây giờ, thời điểm tháng 11-2016 tại phiên họp Quốc hội, câu chuyện miễn, giảm thuế SDĐNN do Chính phủ đề xuất thông qua đã được đa số đại biểu đồng tình. Theo đó, Chính phủ bổ sung miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân đang phải nộp thuế theo Nghị quyết 55 và không phân biệt phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức, giao đất nông nghiệp hay phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận quyền SDĐNN. Chính phủ hướng tới giải pháp giảm bớt khó khăn cho người nông dân, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân gắn bó và đầu tư hơn nữa vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển. Lúc đó, thời hạn miễn thuế SDĐNN đối với các trường hợp bổ sung tại Dự thảo Nghị quyết được Chính phủ đề xuất 5 năm, hạn cuối cùng là ngày 31-12-2020.

Trở lại hiện tại, Dự thảo lần này của Bộ Tài chính đưa ra thời hạn 10 năm. Lý giải của Bộ Tài chính, trong 10 năm tới đời sống nông dân mặc dù sẽ được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung của xã hội. Việc miễn giảm sẽ hỗ trợ trực tiếp người nông dân có thêm vốn, tích tụ đất đai, áp dụng khoa học kỹ thuật, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu lại nông nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế, Trần Viết An, nối tiếp Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ năm 2016, Dự thảo lần này tiếp tục hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây cũng là giải pháp giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Qua đó, hộ nghèo có cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, còn các tổ chức yên tâm hơn với một lộ trình thời gian hợp lý để đưa ra các giải pháp sản xuất phù hợp.

Đúng như tinh thần của Dự thảo, việc giảm thuế sẽ góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích hình thức kinh tế trang trại, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp người nông dân cải thiện đời sống, có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khuyen-khich-cac-to-chuc-ho-gia-dinh-ca-nhan-dau-tu-vao-nong-nghiep-nong-thon-166926.html