Khuyến khích người có ảnh hưởng tham gia phòng chống bạo lực gia đình
Với chủ đề 'Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương', Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 1513/BVHTTDL-VHCSGĐTV hướng dẫn triển khai đồng bộ các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025 (từ ngày 01/6 đến 30/6). Công văn khuyến khích hợp tác với người có tầm ảnh hưởng trong xã hội truyền tải thông điệp để tạo hiệu ứng truyền thông.

Sân khấu hóa truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả.
Gia đình không có bạo lực - Nền tảng cho phát triển bền vững
Tháng hành động năm nay tiếp tục khẳng định cam kết của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình - một vấn đề không chỉ là câu chuyện riêng tư, mà là thước đo của sự phát triển văn minh và nhân văn trong từng cộng đồng.
Các hoạt động sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc: từ việc phát động, mít tinh, diễu hành, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức truyền thông trên báo chí, mạng xã hội, tới các chương trình tọa đàm, tập huấn, khen thưởng, biểu dương những điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Công văn nhấn mạnh vai trò trung tâm của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi – những đối tượng dễ bị tổn thương trong gia đình. Khẩu hiệu truyền thông năm nay mang tính định hướng rõ nét: "Đầu tư cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững", "Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ em", "Cản trở tố cáo hành vi bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật"…
Đáng chú ý, văn bản đã cập nhật nhiều nội dung mới phù hợp với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 như: hành vi kỳ thị giới tính, ép mang thai, tảo hôn, ép kết hôn – ly hôn, bỏ mặc người cao tuổi… đều bị coi là hành vi bạo lực gia đình và cần được phát hiện, xử lý nghiêm minh.
Huy động sức mạnh toàn xã hội trong phòng chống bạo lực gia đình
Các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động năm 2025 sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc, bao gồm lễ phát động, mít tinh, diễu hành, truyền thông đại chúng, mạng xã hội, tiểu phẩm nghệ thuật, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, tổ chức tọa đàm, tập huấn, biểu dương cá nhân điển hình… Việc tổ chức được khuyến khích thực hiện tiết kiệm, phù hợp thực tiễn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong Tháng hành động, các địa phương được khuyến khích triển khai đa dạng hình thức truyền thông từ truyền thanh cơ sở, pa-nô, áp-phích, clip truyền hình, đến mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… Đặc biệt khuyến khích các mô hình sáng tạo như infographic, tiểu phẩm, giao lưu với người có tầm ảnh hưởng, truyền thông nhóm tại cộng đồng dân cư.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lưu ý về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời ưu tiên truyền thông đến lực lượng thanh niên, phụ nữ trẻ, công nhân khu công nghiệp…
Bên cạnh việc bảo vệ nạn nhân khỏi bạo lực, Tháng hành động còn là dịp để khuyến khích họ biết lên tiếng, dũng cảm vượt qua nghịch cảnh, xây dựng gia đình không bạo lực. Vai trò của cán bộ Hội LHPN, các tổ chức xã hội, cộng tác viên cơ sở càng được đề cao trong việc tuyên truyền, hòa giải, hỗ trợ nạn nhân – chính là những cánh tay nối dài của luật pháp và yêu thương.
Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ mang ý nghĩa vận động mà còn là bước đi cụ thể trong việc thực thi pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền phụ nữ, quyền trẻ em. Một gia đình không có bạo lực là nền tảng của một xã hội phát triển bền vững và nhân văn.

Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp tổ chức truyền thông nâng cao kiến thức về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối
Dù đã có nhiều nỗ lực trong suốt hơn một thập kỷ qua, bạo lực gia đình vẫn là một vấn đề dai dẳng ở Việt Nam, để lại những hệ lụy đau lòng cho cả nạn nhân và cộng đồng. Theo Điều tra quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ, gần 63% phụ nữ Việt Nam từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tinh thần, tình dục hoặc kiểm soát trong đời sống hôn nhân. Đáng chú ý, 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm đến bất kỳ tổ chức hay cơ quan chức năng nào để tố giác.
Theo Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV, trong năm 2023 cả nước xảy ra hơn 3.240 vụ bạo lực gia đình tại 3.122 hộ (giảm so với 4.454 vụ năm 2002). Bạo lực thân thể chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần (1.404 vụ), bạo lực kinh tế (230 vụ) và bạo lực tình dục (110 vụ). Có 3.193 nạn nhân, trong đó phụ nữ chiếm 2.628 người, nam giới 565 người - phản ánh bạo lực gia đình không chỉ là vấn đề của một giới. Tổng số người gây bạo lực là 3.208 người, trong đó nam giới chiếm hơn 83%. Đã có hơn 2.900 người bị xử lý, bao gồm 129 trường hợp bị xử lý hình sự.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Điều 47 quy định: Định kỳ hai năm một lần hoặc khi cần thiết sẽ báo cáo Quốc hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ, thực hiện quản lý nhà nước và điều phối liên ngành trong công tác này.