Tháo gỡ 'điểm nghẽn của điểm nghẽn'
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế nhưng đến nay thể chế vẫn được coi là 'điểm nghẽn của điểm nghẽn'. Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn này sẽ khơi thông, tạo ra các động lực để phát triển.

Khi tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính quyền sẽ hướng đến vì dân và phục vụ nhân dân. Ảnh: Quang Vinh.
Liên quan đến hoạt động lập pháp, phát biểu tại Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh: Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.
Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư, từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã tổ chức 4 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 24 dự án luật, nghị quyết. Trong đó, chỉ riêng trong tháng 4/2025, Chính phủ đã tổ chức 2 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Bởi thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, là “đột phá của đột phá”, là nguồn lực, động lực phát triển.
Thời gian qua chính thể chế đang là rào cản, do đó thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định nhiều lần: “Quốc hội chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, còn những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định”.
Đặc biệt, cũng bắt đầu từ Kỳ họp thứ 8, những Luật được Quốc hội thông qua đều theo hướng: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Đến Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp này liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước đang phục vụ hiệu quả cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để phát triển, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước, theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Để tạo bước đột phá trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, tạo ra động lực mới cho sự phát triển, vừa qua tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, cắt giảm thủ tục rườm rà, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan, ai làm tốt nhất thì giao việc, tăng cường phân cấp, phân quyền tối đa cho các địa phương, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các cấp, các ngành, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; bỏ tư duy không biết thì không quản, không quản được thì cấm; những gì doanh nghiệp và người dân làm tốt hơn thì thiết kế quy định để người dân và doanh nghiệp làm. Đẩy mạnh số hóa và bảo đảm an toàn, an ninh mạng để giảm tiếp xúc trực tiếp, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Trong bối cảnh hiện nay, để phục vụ cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị khi tới đây thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để phát triển, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước, dự kiến tại Kỳ họp thứ 9, (khai mạc vào ngày 5/5), Quốc hội sẽ cho ý kiến, về các dự án luật, nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, có khoảng 19.220 văn bản ở Trung ương và địa phương ban hành có nội dung chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của việc thực hiện chủ trương tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gồm 1.180 văn bản của Trung ương, 18.040 của địa phương. Cùng với đó, sẽ sửa những nội dung liên quan trong các Luật như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Cán bộ, công chức, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các luật về tố tụng, Luật Xử lý vi phạm hành chính liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy, quyền, lợi ích cơ bản của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, thẩm quyền của địa phương và tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội thuộc các lĩnh vực về ngân sách, đầu tư, quy hoạch.
Tại hội nghị toàn quốc, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sẽ sửa đổi Hiến pháp năm 2013 cùng các luật có liên quan. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Khi tiến hành sửa đổi, bổ sung, đặc biệt lưu ý đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rành mạch thẩm quyền giữa trung ương với địa phương, giữa cấp tỉnh với cấp xã, xác định rõ việc nào của chính quyền cấp huyện cần điều chuyển cho chính quyền cấp xã hoặc giao chính quyền cấp tỉnh để tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, để phát triển đất nước cần nhiều yếu tố nhưng việc đầu tiên đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phải thi hành theo Hiến pháp và pháp luật, được thể chế hóa trong các luật, nghị định, thông tư. Nếu những quy định không chuẩn thì quá trình làm sẽ bị vướng, không triển khai được. Còn làm sai thì bị xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí bị xử lý hình sự. “Do đó nếu không tháo gỡ được thể chế đang bị nghẽn, nghĩa là điểm đầu tiên làm đã không được rồi thì còn nghĩ gì đến sáng tạo, năng suất và thực hành cho đúng. Vì thế phải gỡ được điểm nghẽn thì mới triển khai được” - ông Huân nói.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thao-go-diem-nghen-cua-diem-nghen-10304132.html