Khuyến khích, nhân rộng những tấm gương kiên trì, say mê học tập, đổi mới sáng tạo
Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10, mang ý nghĩa kép, vừa là ngày ra mắt toàn dân một tổ chức hội có sứ mệnh góp phần đưa Việt Nam trở thành Quốc gia học tập, vừa là ngày khởi động phong trào toàn dân học tập suốt đời.
Ngày 29/9, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008-2/10/2023) và phát động thi đua "Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số". Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đến dự và phát biểu ý kiến.
Phát biểu tại buổi lễ, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết, 15 năm qua, bức tranh khuyến học ngày càng rực rỡ bởi những thành công của phong trào khuyến học, khuyến tài không ngừng phát triển. Tổ chức Hội đã phủ kín các xã, phường, thị trấn và tổ dân phố, thôn, ấp với hơn 26 triệu hội viên. Có nhiều tỉnh, hội viên hội khuyến học là đảng viên chiếm tỷ lệ 70%. Hệ thống Hội đã phát triển trong các trường học các cấp, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt hầu hết các trường đại học đã có tổ chức hội khuyến học.
Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, xây dựng hơn 10 nghìn trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn hành chính cấp xã. Đến nay, hầu hết các xã, phường và thị trấn đều có Trung tâm học tập cộng đồng. Hệ thống “Quỹ khuyến học” đã phát triển từ gia đình, dòng họ đến các tổ chức khuyến học từ cơ sở tới Trung ương. Gần đây, học bổng “Học không bao giờ cùng” đã được Hội tổ chức không chỉ ở cấp trung ương, mà triển khai tới nhiều địa phương; Giải thưởng Nhân tài đất Việt đã trở thành một giải thưởng thường niên, có uy tín cấp quốc gia…
Nhiều năm nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã tập trung cho học tập người lớn thông qua việc cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển các Trung tâm học tập cộng đồng, các trường đại học, thúc đẩy việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đổi mới phương pháp dạy và học, tạo điều kiện học tập thường xuyên ở đối tượng này.
Hội đã dần đổi mới phương pháp quản lý, điều hành tiếp cận với chương trình chuyển đổi số quốc gia và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Sắp tới chương trình “Khuyến học-Hành trình tri thức” được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam sẽ lan tỏa hơn nữa tinh thần học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, động viên nhân dân và các cấp Hội thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Hội Khuyến học Việt Nam trong công tác xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Phó Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đồng hành với Hội Khuyến học Việt Nam. Trong thời đại ngày nay, tinh thần học tập suốt đời cần được lan tỏa mạnh mẽ giống như phong trào "bình dân học vụ" những năm 1945 do Đảng, Bác Hồ phát động tới toàn dân. Đồng thời, trước những biến đổi mạnh mẽ về chuyển đổi số, chúng ta cần biến thách thức thành cơ hội; cập nhật các kiến thức mới trong giai đoạn phát triển mới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đất nước ta muốn phát triển thì cần có nguồn nhân lực mới với nền kinh tế tri thức, kinh tế xanh và chuyển đổi số.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Thời gian tới, các cơ quan, bộ ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, gắn với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tăng cường tuyên truyền về các điển hình tiêu biểu, phổ biến những mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội về tinh thần tự học, học tập thường xuyên, suốt đời. Khuyến khích, nhân rộng những tấm gương cần cù, kiên trì, say mê học tập, đổi mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, khi nào mỗi gia đình, thôn bản xây dựng được phong trào học tập thì mới có quốc gia học tập, nước ta mới có một nền kinh tế tri thức. Do vậy, Hội cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Nhân dịp này, Hội Khuyến học Việt Nam phát động thi đua "Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số". Mục tiêu của phong trào thi đua nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ chuyển đổi số với mỗi cá nhân, từng gia đình một trong những yếu tố quyết định sự thành công việc xây dựng cuộc sống giàu có, văn minh, hạnh phúc.
Ngoài ra, tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình học tập lấy người dân là trung tâm, bảo đảm mỗi người thực hiện tốt mô hình công dân học tập, trong đó chú trọng việc tự học sử dụng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả thực chất, bền vững phù hợp chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, góp phần xây dựng xã hội số ở Việt Nam.