Khuyến khích nông dân sản xuất an toàn để phát triển bền vững

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình tổ, nhóm sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình tổ, nhóm sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; bước đầu hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến (VietGap, HACCP…) và truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.

Các cấp Hội đã có nhiều hoạt động nâng cao kiến thức sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị cho nông dân như: Phát hành tờ rơi, pa nô, áp phích giới thiệu về các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn theo chuỗi liên kết đến hội viên. Nhân rộng các mô hình hộ, nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản theo chuỗi. Vận động nông dân tích tụ ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung. HND các cấp là trung tâm kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa hai bên... Đến nay, trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hầu hết các HTX trong tỉnh đều quan tâm sản xuất sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh liên doanh liên kết sản xuất các sản phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị. Đã có hàng trăm HTX nông nghiệp thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng và tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên, trong đó có trên 100 HTX tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Toàn tỉnh đã xây dựng được trên 30 chuỗi liên kết sản xuất nông sản hàng hóa; trong đó có 10 mô hình điểm liên kết chuỗi giá trị được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Điển hình là mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định giữa Công ty TNHH Toản Xuân với các hộ nông dân; chuỗi liên kết sản xuất chế biến nông sản sấy của Công ty Minh Dương; chuỗi liên kết chế biến hải sản sau thu hoạch của Công ty Hùng Vương; mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá bống bớp nuôi trên diện tích 200ha ở huyện Nghĩa Hưng; mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn sạch Minh Long; chuỗi liên kết chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sạch giữa Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông với các trang trại, các hộ chăn nuôi có quy mô lớn...

Nông dân xã Nam Mỹ (Nam Trực) sản xuất hoa an toàn.

Tuy nhiên hiện nay nông dân vẫn quen với phương thức sản xuất truyền thống, chưa có thói quen sản xuất theo chuỗi, việc liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp thiếu tính bền vững, nhiều hợp đồng bị phá vỡ nên chưa tạo được niềm tin giữa doanh nghiệp với nông dân. Trong khi đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhu cầu sản phẩm an toàn, chất lượng theo các tiêu chuẩn đã được công bố như VietGAP, GlobalGAP, AseanGAP, tiêu chuẩn Organic... ngày càng gia tăng đòi hỏi các hộ nông dân cần thiết phải hợp tác, liên kết để thành lập nên các tổ chức hợp tác giúp tăng khả năng đầu tư phục vụ sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, HND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về “Vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo”. Qua đó nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông sản thực phẩm; chuyển dần từ phương thức sản xuất độc lập của người nông dân sang phương thức hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi. Nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phấn đấu 100% cán bộ, 90% hội viên nông dân được tuyên truyền về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị. 100% hộ nông dân sản xuất nông sản ký cam kết đảm bảo sản xuất nông sản an toàn. 100% cơ sở Hội xây dựng được ít nhất 1 mô hình sản xuất nông sản an toàn. 100% các huyện, thành Hội phối hợp xây dựng ít nhất 1 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi cho sản phẩm có thế mạnh của địa phương; đồng thời liên kết tổ chức các điểm bán hàng tiêu thụ nông sản cho nông dân. Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, các cấp HND trong tỉnh tập trung vào các giải pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn và liên kết theo chuỗi. Mở rộng hoạt động hỗ trợ của Hội cho những hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh, nông sản thực phẩm an toàn và liên kết theo chuỗi. Các cấp HND cũng chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền, MTTQ và các đoàn thể triển khai sâu rộng những chính sách liên quan đến việc phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Năm 2019, HND tỉnh phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, HND Việt Nam tổ chức lớp tập huấn kiến thức về mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị cho 100 cán bộ HND cơ sở tham gia quản lý, điều hành tổ hợp tác; các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh. Nội dung tập huấn gồm các chuyên đề:

HND Việt Nam tham gia xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX góp phần thúc đẩy nông dân tham gia chuỗi giá trị nông sản; Chuỗi thực phẩm an toàn và thiết lập liên kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; Quy trình cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Qua đó, giúp học viên hiểu được vai trò và lợi ích khi tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi giá trị, từ đó làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, thu mua chế biến thành hàng hóa hoặc liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa. Năm 2020, các cấp Hội đã vận động được 200.220 hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện các cấp Hội tiếp tục tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân…

Những hoạt động thiết thực của HND các cấp trong tỉnh đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của hội viên nông dân về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, góp phần xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202104/khuyen-khich-nong-dan-san-xuat-an-toan-de-phat-trien-ben-vung-2543494/