Khuyến khích nữ doanh nhân đóng góp vào phát triển kinh tế xanh

Chuyển hướng kinh tế xanh và tăng trưởng xanh chính là con đường để các doanh nghiệp bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

 Phụ nữ là một phần không thể tách rời trong Chiến lược tăng trưởng xanh.

Phụ nữ là một phần không thể tách rời trong Chiến lược tăng trưởng xanh.

Phát triển xanh và bền vững đang là xu thế chung của toàn cầu và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh, các nữ doanh nhân cần phải vượt qua khá nhiều rào cản.

Thúc đẩy sự đóng góp của phụ nữ vào phát triển kinh tế xanh

Chọn con đường "sản phẩm xanh, sức khỏe xanh" trong hành trình xây dựng doanh nghiệp của mình, bà Đào Thúy Hà (Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco) cho biết: Ngay từ sớm, doanh nghiệp đã chọn con đường "sức khỏe xanh" phát triển các sản phẩm xanh, từ nguồn dược liệu xanh, đến tiêu dùng xanh và nhờ đó, trở thành sản phẩm số 1 của Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm, cạnh tranh với các nước. Để tạo ra quá trình bền vững 50 năm qua, thực tế mô hình ESG (phát triển bền vững) cam kết với cổ đông, các bên liên quan về phát triển bền vững, tăng trưởng tốt đồng thời quan tâm tới bảo vệ môi trường, xã hội.

"Sản phẩm dược liệu của chúng tôi được trồng tại Việt Nam, quy hoạch bản đồ dược liệu phù hợp thổ nhưỡng, phù hợp tiêu chuẩn dược liệu sạch của thế giới, thu hái có bảo tồn; tạo ra thói quen thu hái của người trồng dược liệu giữa việc khai thác và phát triển xanh bền vững tại các nơi có vùng trồng dược liệu. Trong quá trình xây dựng doanh nghiệp, tôi nhận thấy, phụ nữ có vai trò tác động rất lớn tới môi trường. Ví dụ, khi chúng tôi phát triển vùng trồng dược liệu ở miền núi, phụ nữ thường không phải là người đi ký kết thu hái dược liệu với doanh nghiệp, nhưng lại là người thực hiện việc thu hái. Chính vì vậy, chúng tôi đã chọn cách tiến hành ký kết với phụ nữ, để mỗi người phụ nữ được trao quyền, và họ chủ động thực hành việc bảo vệ nguồn dược liệu, nuôi trồng xanh và bảo vệ môi trường. Nhờ những hướng thực hiện như vậy, Traphaco trở thành tiên phong trong dược liệu sạch của Việt Nam, được thị trường tín nhiệm", bà Đào Thúy Hà cho biết, đó là kinh nghiệm để thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của phụ nữ vào phát triển kinh tế xanh.

Doanh nhân Đào Thúy Hà và Sopheap Chen chia sẻ tại Tọa đàm "Phát huy vai trò của nữ doanh nhân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia vì phát triển kinh tế xanh và bền vững"

Doanh nhân Đào Thúy Hà và Sopheap Chen chia sẻ tại Tọa đàm "Phát huy vai trò của nữ doanh nhân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia vì phát triển kinh tế xanh và bền vững"

Nữ doanh nhân Sopheap Chen đến từ Campuchia chia sẻ, khi xây dựng doanh nghiệp gắn với kinh tế xanh các nữ doanh nhân như chị phải đối diện một số vấn đề. Đó là kiến thức và kỹ năng còn hạn chế; các nguồn hỗ trợ về vốn và tài chính còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, chị còn gặp phải những hạn chế trong kết nối mạng lưới, bất bình đẳng giới và sự tin tưởng của cộng đồng. Chị Sopheap Chen nhấn mạnh: "Đây là vấn đề chung của nhiều hộ kinh doanh, sản xuất hàng hóa không chỉ ở Campuchia, mà còn là thực trạng chung các nữ doanh nhân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia gặp phải".

Chính vì vậy, để người tiêu dùng hiểu và chấp nhận sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm xanh, chị Sopheap Chen nêu sáng kiến là cần phải đẩy mạnh truyền thông để người tiêu dùng hiểu về sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh; từ hiểu thì mới kéo theo việc thừa nhận và tiêu dùng sản phẩm xanh. Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức tích cực đẩy mạnh hỗ trợ, liên kết của các sản phẩm với thị trường, giúp đỡ phụ nữ đưa hàng hóa xanh đến được thị trường, người tiêu dùng.

Doanh nhân nữ là một lực lượng quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và là một phần không thể tách rời trong Chiến lược tăng trưởng xanh.

Doanh nhân nữ là một lực lượng quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và là một phần không thể tách rời trong Chiến lược tăng trưởng xanh.

Đề cập đến tính tất yếu của việc phát triển xanh, bền vững, bà Hà Thị Thu Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE), Chủ tịch Viện thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) - nhấn mạnh: Là tổ chức đại diện cho các nữ doanh nhân Việt Nam, Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam đã tham gia Mạng lưới các Nữ lãnh đạo tiên phong trong biến đổi khí hậu tại Việt Nam và tích hợp, gia tăng các nguồn lực- nguồn vốn con người, nguồn vốn tự nhiên- để hỗ trợ nữ doanh nhân tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đang có xu hưởng tăng cả về tần suất, cường độ và trở nên khó dự báo, phát triển xanh được coi là giải pháp căn cơ để góp phần xử lý hài hòa giữa một bên là yêu cầu phát triển kinh tế và một bên là nỗ lực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Chuyển hướng kinh tế xanh và tăng trưởng xanh chính là con đường để các nền kinh tế và doanh nghiệp bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Trong sự chuyển hướng đó, doanh nhân nữ là một lực lượng quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và là một phần không thể tách rời trong Chiến lược tăng trưởng xanh. Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp vào phát triển kinh tế xanh của đất nước như: vận động hội viên, phụ nữ chủ động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, đồng hành cùng nữ doanh nhân phát triển kinh tế theo hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững. Hội LHPN Việt Nam cũng đã tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh gắn với nông nghiệp bền vững và có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Nhóm PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khuyen-khich-nu-doanh-nhan-dong-gop-vao-phat-trien-kinh-te-xanh-20240709153616616.htm