Khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp
UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về thực hiện chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Chiến lược nhằm phát triển cơ giới hóa nông nghiệp đồng bộ và chế biến nông, lâm, thủy sản về cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị và điều kiện đầu tư phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của từng vùng sản xuất, địa phương; ưu tiên đối với các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, trọng điểm và ngành hàng có giá trị gia tăng cao, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết vùng.
Tại kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu việc phát triển cơ giới hóa phải gắn với quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với chuỗi giá trị thông qua các mô hình hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất; sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao và sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: Quang Minh
Đồng thời, khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, số hóa, tự động hóa để phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, hiệu quả và bền vững, thích nghi với lực lượng sản xuất, phương thức sản xuất của tỉnh.
Định hướng phát triển cơ giới hóa với các ngành hàng chính: Lĩnh vực trồng trọt, tất cả các khâu từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc (tưới, phun thuốc, làm cỏ), thu hoạch, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Lĩnh vực chăn nuôi sẽ tập trung vào khâu phối trộn thức ăn, chăm sóc, ưu tiên các mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn, trại kín, công nghệ cao theo chuỗi, an toàn dịch bệnh…
Để hoàn thành mục đích và yêu cầu kế hoạch đề ra, UBND tỉnh đưa ra 6 nhóm giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai. Trong đó, hoàn thiện về thể chế, chính sách. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu hoàn thiện quy định để quản lý, thực hiện. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tổ chức sản xuất. Tổ chức các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng phát triển nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, cấp tỉnh, sản phẩm là đặc sản của địa phương) được cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với lợi thế của từng vùng, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối với khu chế biến nông sản, khu dịch vụ thương mại và khu du lịch, liên kết vùng…