Khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ
Phân bón hữu cơ không chỉ làm giàu cho đất, tốt cho cây trồng mà còn tạo ra nông sản hữu cơ, an toàn.
Lợi ích đã rõ song thực tế, so với phân bón vô cơ, lượng phân bón hữu cơ được nông dân sử dụng còn ở mức khiêm tốn.
Lý giải về nguyên nhân việc sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt còn khiêm tốn, TS Ngô Vĩnh Viễn – nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho hay, phân bón hữu cơ cần bón lượng lớn trên đơn vị diện tích nên bất tiện về vận chuyển và sử dụng so với phân vô cơ.
Thêm vào đó, tác động của phân bón hữu cơ không nhanh như phân vô cơ và chi phí đầu vào cũng cao hơn. Đáng nói, nhận thấy phân vô cơ tác dụng tức thời đến sinh trưởng, năng suất cây trồng nên nhiều nông dân lạm dụng, thậm chí phụ thuộc vào phân bón vô cơ.
Để khắc phục tình trạng trên, theo Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy, Nhà nước cần có chính sách nhất quán khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu trong nước.
Đồng thời, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ nhằm nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong đơn vị phân bón, giảm khối lượng, tác động nhanh đến sinh trưởng của cây trồng. Nếu đáp ứng các điều kiện đó sẽ thuyết phục được nông dân sử dụng.
Bên cạnh đó, rất cần sự chung tay, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, DN trong công tác tập huấn, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, tư duy cho nông dân về vai trò, tác dụng lâu dài của phân bón hữu cơ.
Về phía DN, các chuyên gia cũng khuyến nghị, để phát triển và mở rộng sản xuất phân bón hữu cơ, DN nên duy trì 2 mô hình song song. Thứ nhất, DN sản xuất phân hữu cơ thông qua hệ thống nhà máy khắp cả nước, sau đó thu mua nông sản cho nông dân, tạo chuỗi hữu cơ khép kín. Thứ hai, DN sản xuất, cung ứng, chuyển giao các chế phẩm hữu cơ, vi sinh để nông dân dễ dàng xử lý phế phụ phẩm trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt thành phân hữu cơ.
Hiện, công tác quản lý Nhà nước về phân bón ngày càng được củng cố với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ. Trong đó, chính sách về phát triển phân bón hữu cơ đã được cụ thể hóa tại Điều 4, Luật Trồng trọt năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 1/2/2020). Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng phân hữu cơ cũng đang được hoàn thiện. Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng phân bón hữu cơ tại nước ta nhằm đạt tối đa lợi ích trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Bộ NN&PTNT, để thực hiện mục tiêu về sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn vào năm 2020, cần đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa nâng cao chất lượng nông sản. Đồng thời, phục hồi dần hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi lạm dụng phân bón hóa học, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khuyen-khich-phat-trien-phan-bon-huu-co-355692.html