Khuyến khích sinh đủ 2 con ở vùng có tỷ lệ sinh thấp
Mức sinh là một yếu tố cấu thành của dân số. Hiện Bình Dương đang nằm trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Để nâng mức sinh, Bình Dương thực hiện chiến dịch truyền thông vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (KHH-GĐ) và nâng cao chất lượng dân số.
Tỷ lệ sinh giảm sâu
Thống kê của Chi cục Dân số KHH-GĐ tỉnh cho thấy tỷ suất sinh của tỉnh có xu hướng giảm sâu so với mức sinh thay thế. Bình Dương hiện đang nằm trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Dự báo của Liên hiệp quốc và kinh nghiệm của các nước cho thấy, nếu tổng tỷ suất sinh giảm xuống khoảng 1,3-1,4 con/1 phụ nữ thì rất khó để nâng mức sinh trở lại. Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đô thị hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng ít con ngày càng lan rộng. Mức sinh thấp kéo dài sẽ dẫn tới suy giảm quy mô dân số, thiếu hụt lực lượng lao động, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Năm 2024, Bình Dương triển khai chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHH-GĐ và nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp ở 18 xã, phường, thị trấn. Cụ thể là tại phường Phú Cường, Phú Tân (TP.Thủ Dầu Một); phường Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp (TP.Tân Uyên); phường Bình Chuẩn, Vĩnh Phú (TP.Thuận An); phường Đông Hòa, Dĩ An (TP.Dĩ An); phường Thới Hòa, Phú An (TP.Bến Cát); xã Phước Hòa, Phước Sang (huyện Phú Giáo); thị trấn Tân Bình, xã Bình Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên); xã Cây Trường, Tân Hưng (huyện Bàu Bàng); xã Minh Thạnh, Định Thành (huyện Dầu Tiếng).
Hiện nay công tác dân số của tỉnh đang tập trung giải quyết toàn diện và đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố; đặc biệt là chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Bình Dương cũng tăng cường hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo dân số và phát triển các cấp, đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.
Bà Đoàn Thị Hồng Thơm, Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Bình Dương đang phấn đấu nâng mức sinh cùng với việc nâng cao chất lượng dân số. Do đó, tỉnh đang hướng đến mục tiêu phấn đấu tăng sinh nhằm đạt được mức sinh thay thế 2,1 con/1 phụ nữ. Đây là yếu tố cần thiết để duy trì dân số ổn định, kéo dài thời kỳ dân số vàng và làm chậm quá trình già hóa dân số. Chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHH-GĐ và nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp trên địa bàn tỉnh là một trong những giải pháp truyền thông, không chỉ thay đổi nhận thức của xã hội mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng.
“Để đạt được những mục tiêu trên, ngành y tế rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông điệp của chiến dịch đến mọi tầng lớp nhân dân và quan trọng là sự ủng hộ, đồng thuận của người dân trên địa bàn”, bà Đoàn Thị Hồng Thơm nói.
Trong chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, Bình Dương phấn đấu từng bước nâng mức sinh lên và duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn tỉnh; thực hiện thành công kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 thực hiện chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.
Khuyến khích sinh đủ 2 con
Chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHH-GĐ và nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 31-7 tại 18 xã, phường, thị trấn có mức sinh thấp.
Bà Lê Thị Tuyết Bình, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho biết: “Với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, những chiến dịch truyền thông vận động này sẽ góp phần nâng mức sinh ở những địa phương có mức sinh thấp. Chiến dịch ưu tiên tuyên truyền, vận động nam, nữ trong độ tuổi sinh sản, chú trọng các cặp vợ chồng đã sinh 1 con và chưa có ý định sinh thêm con. Các đối tượng đặc thù như công nhân, người lao động thuộc các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn, vị thành niên, thanh niên cũng được cán bộ dân số lưu tâm” .
Thông tin thêm về 5 nhóm nội dung quan trọng cần tuyên truyền, vận động, bà Lê Thị Tuyết Bình nhấn mạnh: Các địa phương cần chú trọng truyền thông về lợi ích của việc sinh đủ hai con, các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội, nuôi dạy con tốt và chăm sóc bố, mẹ khi về già; vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sinh đủ hai con trước 35 tuổi; vận động mỗi gia đình, cặp vợ chồng nên có hai con, khuyến khích địa phương có thêm các khẩu hiệu truyền thông sát với tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ sở; tuyên truyền vị thành niên, thanh niên nâng cao hiểu biết về tránh thai, tình dục an toàn, kỹ năng sống; vận động các cá nhân, cặp vợ chồng tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai phi lâm sàng (viên uống tránh thai và bao cao su) thay thế cho các biện pháp tránh thai vĩnh viễn và dài hạn, tạo điều kiện thuận lợi khi muốn sinh thêm con.
Bên cạnh việc tư vấn, cung cấp thông tin, trong thời gian diễn ra chiến dịch, các trạm y tế và trung tâm y tế huyện, thành phố cũng tăng cường triển khai hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số cho các đối tượng có nhu cầu, trong đó các đối tượng miễn phí thực hiện theo Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 14-9-2021 của HĐND tỉnh.
Chiến dịch truyền thông vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHH-GĐ và nâng cao chất lượng dân số là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu cho những nỗ lực mới nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về nâng cao chất lượng dân số.
Những năm qua, công tác dân số trên địa bàn tỉnh luôn tập trung đổi mới, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được mở rộng đến các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố và 91 xã, phường, thị trấn một cách thuận tiện, gần dân. Công tác phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng cũng được ngành triển khai đồng bộ. Các dịch vụ dân số, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống vô sinh cho các nhóm đối tượng đặc thù (trẻ vị thành niên, thanh niên công nhân, người lao động thuộc các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn) được quan tâm đúng mức.