Khuyến khích sử dụng hình thức trọng tài trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) những năm qua đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực dễ phát sinh những vụ việc phức tạp, kéo dài khiến có thời điểm quá tải vụ việc cần giải quyết.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại các vụ khiếu kiện chiếm số lượng không nhỏ trong số vụ việc tòa án phải thụ lý giải quyết. Bởi vậy, sử dụng trọng tài thương mại (TTTM) là giải pháp hữu hiệu, góp phần giảm áp lực quá tải cho tòa án.
Nhiều cơ hội sử dụng cơ chế trọng tài bị bỏ lỡ
Trên thế giới, sử dụng cơ chế trọng tài để giải quyết các tranh chấp là phổ biến bên cạnh việc đưa ra tòa án xét xử. Tại Việt Nam, Luật TTTM ban hành năm 2010 là cơ sở pháp lý quan trọng để thực thi giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, trên thực tế, từ khi Luật TTTM có hiệu lực, cơ chế này vẫn chưa được các bên sử dụng rộng rãi.
Có nhiều nguyên nhân khiến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ít sử dụng trọng tài, trong đó thói quen đưa ra tòa án vốn đã ăn sâu vào tiềm thức. Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Số lượng vụ việc giải quyết của TTTM còn ít do tâm lý, nhận thức của doanh nghiệp trong lựa chọn tổ chức trọng tài còn hạn chế, còn e ngại phán quyết của trọng tài không được thực thi”. Bởi thế, rất nhiều vụ việc tranh chấp thương mại có thể sử dụng TTTM thì các bên lại lựa chọn tòa án. Điều này gây áp lực về thời gian, chi phí giải quyết của các bên cũng tăng lên khi tòa án phải thụ lý quá nhiều vụ việc.
Hiện, cả nước có 22 trung tâm TTTM đang hoạt động. Tuy nhiên, số vụ việc các trung tâm trọng tài thụ lý chưa nhiều. TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong thực hiện TTTM, cũng là địa phương có hiệp hội TTTM đầu tiên trong cả nước. Năm 2017, các tổ chức TTTM của thành phố tiếp nhận giải quyết 367 vụ việc. Còn Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tổ chức có thâm niên hoạt động sớm nhất ở Việt Nam, nhưng số lượng giải quyết các vụ tranh chấp cũng khiêm tốn. Năm 2015, VIAC giải quyết được 146 vụ; năm 2016 giải quyết 156 vụ; năm 2017 là 151 vụ. Thống kê cho thấy, giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh bằng trọng tài chưa tới 10% trên tổng số các vụ việc tranh chấp, trong khi số vụ việc phát sinh ngày càng nhiều.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội TTTM TP Hồ Chí Minh cho biết: “Lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp thông qua các trung tâm TTTM có nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, như: Thời gian giải quyết tranh chấp nhanh, chi phí thấp, phán quyết của TTTM là chung thẩm có hiệu lực ngay, khách hàng được lựa chọn trọng tài viên có chuyên môn tương ứng với vụ tranh chấp để giải quyết tranh chấp…”. Tại Mục 5, Điều 4, Luật TTTM quy định: “Phán quyết của TTTM là chung thẩm”. Bởi thế, phán quyết có hiệu lực kể từ ngày ban hành và có giá trị bắt buộc đối với các bên tranh chấp. Đặc biệt, sử dụng hội đồng trọng tài trong giải quyết tranh chấp thì nội dung tranh chấp được giữ bí mật. Đây là một ưu điểm quan trọng đối với các tổ chức, doanh nghiệp trong làm ăn kinh doanh.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC: Hiện nay, nhiều người dân đã bắt đầu tìm đến các trung tâm trọng tài để giải quyết tranh chấp. Số vụ việc do các trung tâm trọng tài thụ lý, giải quyết cũng đa dạng hơn. Các vụ việc tranh chấp, gồm: Mua bán hàng hóa, xây dựng, sở hữu trí tuệ, lao động, phân phối, bảo hiểm thương mại, đầu tư nước ngoài, tranh chấp hàng hải, tín dụng và thanh toán quốc tế...
Hoàn chỉnh hành lang pháp lý về cơ chế trọng tài
Quá trình phóng viên Báo Quân đội nhân dân khảo sát ở các địa phương, như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định... nhiều cán bộ ngành tư pháp kiến nghị cần khuyến khích việc sử dụng hình thức hòa giải trong giải quyết các vụ việc tranh chấp. Đối với lĩnh vực thương mại, cần áp dụng cơ chế trọng tài. Việc sử dụng linh hoạt các hình thức sẽ giảm tải nhiều cho tòa án hiện nay.
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện các Chương trình phối hợp về tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC, giám sát, nâng cao hiệu quả giải quyết KNTC ở cơ sở diễn ra ngày 11-10-2018 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức, các ý kiến đề xuất cần nghiên cứu, thí điểm áp dụng các hình thức hòa giải, trọng tài bên cạnh các hình thức giải quyết KNTC theo luật; giải quyết các vụ việc theo trình tự tư pháp hiện nay. Trên thực tế, hệ thống pháp luật để cơ chế giải quyết các tranh chấp thương mại bằng trọng tài ở nước ta dần được hoàn thiện và đủ mạnh để các bên phải thực thi khi phán quyết được ban hành. Trong khi đó, thủ tục để các bên tranh chấp thống nhất sử dụng cơ chế trọng tài khá thuận tiện. Một chế tài rất quan trọng để sử dụng cơ chế trọng tài đó là tại Điều 6, Luật TTTM quy định: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”.
Theo ông Phan Trọng Đạt, Phó tổng thư ký VIAC: TTTM đang là xu hướng được các doanh nghiệp, tập đoàn trên thế giới lựa chọn để giải quyết các tranh chấp về thương mại. Phương án này cũng bắt đầu được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm và coi như một phương thức giải quyết tranh chấp mới hiệu quả. Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho biết: "Thành phố đang triển khai “Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của TTTM đến năm 2020 tại TP Hồ Chí Minh”. Việc ban hành đề án trên nhằm nâng cao chất lượng xử lý các tranh chấp thương mại, trong đó có các tranh chấp thương mại có yếu tố quốc tế, góp phần giúp tòa án giảm tải vụ việc".
Trên thực tế, Luật TTTM tuy tạo cơ chế pháp lý tốt hơn cho hoạt động TTTM nhưng vẫn còn những bất cập cần sớm được tháo gỡ, như: Chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với các tổ chức TTTM để hỗ trợ trong hoạt động. Thẩm quyền của tòa án và trọng tài chưa cụ thể, rõ ràng. Cùng với đó, các nhà nghiên cứu pháp luật cũng cho rằng, Luật TTTM cần có những điều khoản nêu rõ trường hợp nào thì tòa án có quyền hủy phán quyết của trọng tài...