Khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp
Loại phân bón này không chỉ làm giàu cho đất, tốt cho cây trồng mà còn tạo ra nông sản an toàn, chất lượng. Để hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, các địa phương cần khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ.
Loại phân bón này không chỉ làm giàu cho đất, tốt cho cây trồng mà còn tạo ra nông sản an toàn, chất lượng. Để hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, các địa phương cần khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ.
Nền tảng của nông sản an toàn
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (xã Hồng Phong, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) Lê Thị Thà cho biết, năm 2013, HTX thuê lại hơn 13 ha đất nông nghiệp của 165 hộ nông dân tại thôn Xuân Viên 3, xã Xuân Sơn, huyện Đông Triều để xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất các loại rau, củ, quả. Chúng tôi nhận thấy rằng, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến những sản phẩm nông sản an toàn và chất lượng, cho nên, ngay tại thời điểm triển khai mô hình HTX đã quyết định sử dụng phân bón hữu cơ cho nhiều diện tích trồng nông sản. Với nguồn nguyên liệu sẵn có như các loại phân chuồng, phụ phẩm từ các loại rau, củ, quả... chúng tôi đã ủ thành phân hữu cơ để chăm bón cây. Những diện tích sử dụng phân bón hữu cơ, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt; đất tơi xốp, giảm ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Chi phí sản xuất phân hữu cơ chỉ vài nghìn đồng/kg, rẻ hơn so với giá các loại phân vô cơ bán trên thị trường. Từ khi sử dụng phân bón hữu cơ, HTX vừa tiết kiệm được chi phí mua phân bón; lại vừa cải tạo được đất, ít sâu bệnh, chất lượng nông sản được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao. Nhờ đó, giá bán sản phẩm tăng hơn từ 10 đến 30% so với sản phẩm khác.
Cũng giống như mô hình của HTX Hoa Phong, ngay từ khi đi vào sản xuất, trang trại Hoa viên (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) đã sử dụng phân hữu cơ trong canh tác. Theo chủ trang trại Hoa viên Trương Kim Hoa, ngoài việc trồng cây, trang trại còn nuôi giun quế và kết hợp các loại phân chuồng để sản xuất phân hữu cơ. Nhờ đó, toàn bộ diện tích 10 ha của trang trại được canh tác hoàn toàn bằng loại phân này. Sự tác động của phân hữu cơ vào cây trồng tương đối chậm nhưng bù lại chất lượng nông sản luôn được bảo đảm, an toàn. Nhờ được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao, các sản phẩm nông sản của Hoa viên hiện được phân phối tại nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.
Đánh giá về vai trò của phân bón hữu cơ đối với sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Nguyễn Đình Hạc Thúy cho biết, phân hữu cơ vừa cung cấp các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng cho cây trồng vừa cung cấp cho đất một lượng mùn lớn để duy trì sự hoạt động của các sinh vật và vi sinh vật. Các chất dinh dưỡng trong phân hữu cơ được chuyển đổi từ những thành phần dễ phân hủy trong nguyên liệu hữu cơ như chất xơ, tinh bột, prô-tê-in, a-mi-nô a-xít… Do vậy, phân hữu cơ dễ dàng tác động vào quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao, đồng thời, góp phần cải tạo thảm thực vật của đất. Trong khi đó, việc sử dụng phân bón hóa học nhất là sử dụng trong thời gian dài lại ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nông sản, gây ô nhiễm môi trường, khiến đất bị bạc màu suy thoái, chua phèn, vai trò của vi sinh vật trong đất giảm. Từ đó thay đổi quá trình sinh hóa diễn ra trong đất và chính các yếu tố nêu trên là tác nhân làm thoái hóa thảm thực vật tự nhiên trong đất.
Đẩy mạnh phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển phân bón hữu cơ. Mỗi năm có khoảng 200 triệu tấn chất thải hữu cơ từ sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, rác thải sinh hoạt, công nghiệp chế biến… Trong đó, sản xuất chăn nuôi trong nước tạo ra khoảng 85 triệu tấn chất thải rắn. Sản xuất trồng trọt hằng năm tạo ra hơn 65 triệu tấn phụ phẩm. Công nghiệp chế biến các loại thực vật, động vật, thủy sản như bã cà-phê, mía, xương động vật, cua, ghẹ… cũng thải ra vài triệu tấn chất thải hữu cơ mỗi năm. Đây chính là những nguồn nguyên liệu tiềm năng rất lớn để sản xuất phân hữu cơ.
Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi ích, nhưng tỷ lệ sử dụng sản phẩm phân hữu cơ ở nước ta hiện nay còn thấp. Lý giải về điều này, Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, do áp lực thâm canh tăng năng suất và những tiện lợi như gọn nhẹ, tác động nhanh đến quá trình sinh trưởng của cây trồng, cho nên 30 năm qua, ở nước ta, người dân chủ yếu vẫn sử dụng phân bón vô cơ. Theo nhiều hộ dân, sản xuất phân hữu cơ mất nhiều thời gian và nhân công để thu gom, xử lý nguyên liệu và chờ đợi nguyên liệu phân hủy. Vì vậy, dù nhận thức việc tự sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng là giải pháp hiệu quả, nâng cao năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường, tuy nhiên không phải hộ nào cũng có thể tự sản xuất được. Bên cạnh đó, chủng loại các mặt hàng phân bón hữu cơ còn ít, giá bán lại khá cao, trong khi loại phân này tác động vào cây trồng lại chậm cũng khiến cho người dân còn e ngại khi sử dụng. Nhiều người dân chưa có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu về các mô hình sử dụng phân hữu cơ cân đối, hiệu quả, phù hợp từng loại đất, đối tượng cây trồng, mùa vụ và thời kỳ sinh trưởng phát triển khác nhau của cây để thấy được hiệu quả và giá trị của việc sử dụng phân bón hữu cơ…
Để nâng cao hiệu quả sử dụng phân hữu cơ, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho rằng, cơ quan chức năng tại các địa phương phải ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ ở quy mô nông hộ trên địa bàn. Hiện nay, nhiều nông hộ e ngại việc sử dụng phân hữu cơ vì lý do cồng kềnh, phát sinh chi phí vận chuyển, hiệu quả và tác dụng đối với cây trồng chậm. Do vậy, để tăng hiệu suất sử dụng phân bón hữu cơ, cần tiến hành chuyển giao việc sản xuất phân bón hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt ở quy mô nông hộ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển giao các công nghệ tiên tiến vào sản xuất phân bón hữu cơ tạo ra những sản phẩm phân bón chất lượng, trong đó ưu tiên công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các công nghệ sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ phải được ưu tiên, hưởng lợi từ các chính sách khuyến khích đầu tư đã được ban hành.