Khuyến khích, vận động nhân dân góp ý sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNeID

Sáng 8/5, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Quán triệt chủ trương, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến đến Công an các địa phương trên toàn quốc. Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM chủ trì điểm cầu CATP. Cùng dự tại điểm cầu CATP có Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc CATP; lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc CATP.

Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM chủ trì điểm cầu CATP

Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM chủ trì điểm cầu CATP

Tại hội nghị, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã công bố các Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, chiều 5/5, 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 195/2015/QH15 về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng là một trong 4 đại diện của Chính phủ tham gia Ủy ban.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Công an TPHCM

Các đại biểu dự tại điểm cầu Công an TPHCM

Theo phân công nhiệm vụ của Ủy ban, bên cạnh các nhiệm vụ chung như các đồng chí Ủy viên của Ủy ban, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng được phân công trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ đặc biệt quan trọng riêng, cụ thể là: Chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 trong lực lượng CAND; tổ chức triển khai việc sử dụng ứng dụng VNeID trong việc lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 theo phân công; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện và chỉ đạo việc tổng hợp ý kiến đóng góp qua ứng dụng VNeID về dự thảo Nghị quyết; chỉ đạo, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp và trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 bảo đảm an ninh chính trị, TTATXH.

Để chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch rà soát, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong CAND, trong đó xác định các nhiệm vụ hết sức trọng tâm, trọng điểm và phân công cụ thể trách nhiệm, tiến độ thực hiện đối với từng đơn vị, địa phương.

Đồng thời, từ rất sớm, Bộ Công an cũng đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ có liên quan như rà soát và đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung theo định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tham gia ý kiến đối với Đề án sửa đổi, bổ sung Hiến pháp…

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến Công an các tỉnh, thành trên toàn quốc

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến Công an các tỉnh, thành trên toàn quốc

Tại Hội nghị, Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an quán triệt Kế hoạch “Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID”.

Theo đó, từ ngày 6/5/2025, người dân có thể truy cập đọc nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp và góp ý trên VNeID với một vài bước đơn giản.

Tuy chỉ mới triển khai 2 ngày, trên VNeID đã ghi nhận có 6.405 ý kiến của người dân tham gia, trong đó 6.343 người dân tán thành (chiếm tỉ lệ 99%); độ tuổi người dân tham gia từ 18 đến 34 tuổi chiếm 36%, từ 35 đến 44 tuổi chiếm 40%, từ 45 đến 60 tuổi chiếm 20%, trên 60 tuổi chiếm 4%; về giới tính là 88% nam và 12% nữ; qua đó, thể hiện người dân quan tâm tham gia đóng góp, xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hội nghị cũng được nghe Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ Công an và Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ quán triệt các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh chính trị, TTATXH trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND báo cáo về dự kiến công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện báo chí truyền thông về chủ trương, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, quyết định nhiều nội dung, vấn đề mang tính lịch sử, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp…

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu kết luận hội nghị

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có tính quyết định để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới là việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai thực hiện các chủ trương nói trên, thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan là hết sức cần thiết. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đánh giá cao các đơn vị trong CAND đã chủ động triển khai các nhiệm vụ trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 cũng như lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, đồng thời chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, cấp bách, trọng tâm trong thời gian tới (cho đến thời điểm Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), cần tập trung tối đa nhân lực, phương tiện để bảo đảm thực hiện tốt các công việc được phân công.

Tiện ích để nhân dân góp ý sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNeID

Tiện ích để nhân dân góp ý sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNeID

Trong đó, lãnh đạo Bộ yêu cầu Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tập trung toàn bộ lực lượng, trang thiết bị, vừa bảo đảm việc tiếp nhận góp ý của Nhân dân trên ứng dụng VNeID được thông suốt, vừa bảo đảm tổng hợp đầy đủ, kịp thời toàn bộ ý kiến góp ý, tuyệt đối không bỏ sót bất kỳ ý kiến góp ý nào của Nhân dân.

Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo trực tiếp lực lượng Công an cấp xã vận động, hướng dẫn Nhân dân tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, khuyến khích và đặt mục tiêu 90% công dân có tài khoản định danh điện tử mức 2 góp ý trên ứng dụng VNeID.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, các đơn vị chức năng bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị, TTATXH trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp và trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, nắm bắt tình hình từ sớm, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý ngay từ khi chưa phát sinh tình huống phức tạp, tuyệt đối không để xảy ra bất kỳ vấn đề gì về ANTT…

Mai Anh - Trọng Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/khuyen-khich-van-dong-nhan-dan-gop-y-sua-doi-hien-phap-tren-ung-dung-vneid_177759.html