Khuyến nghị các biện pháp cung cấp đủ lương thực nuôi 10 tỷ dân
Việc cung cấp chế độ ăn lành mạnh và đầy đủ cho mỗi công dân trên Trái Đất nhưng vẫn duy trì nguyên vẹn được bầu sinh quyển đòi hỏi sự thay đổi mang tính bước ngoặt về công nghệ và văn hóa xã hội.
Việc cung cấp đủ lương thực để nuôi 10 tỷ cư dân trên Trái Đất không những khả thi mà còn có thể thực hiện một cách bền vững.
Các nhà khoa học Mỹ thuộc Đại học Chicago (UChicago) và Viện nghiên cứu tác động của khí hậu Potsdam (PIK), đã đưa ra kết luận trên trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Sustainability mới đây.
Các nhà khoa học Mỹ cho rằng việc cung cấp một chế độ ăn lành mạnh và đầy đủ cho mỗi công dân trên Trái Đất nhưng vẫn duy trì hầu như nguyên vẹn được bầu sinh quyển đòi hỏi sự thay đổi mang tính bước ngoặt về công nghệ và văn hóa xã hội.
Sự thay đổi này bao gồm thực hiện các biện pháp trồng trọt khác nhau, thay đổi chế độ ăn và chống lãng phí thực phẩm.
Giám đốc PIK Johan Rockstrom nêu rõ: "Chúng tôi nhận thấy rằng hiện nay sản xuất nông nghiệp ở nhiều khu vực trên thế giới tiêu tốn quá nhiều nước, đất hay phân bón. Do vậy, sản xuất nông nghiệp tại những khu vực này cần phải hài hòa với sự bền vững về môi trường.
Có nhiều cơ hội để tăng sản lượng nông nghiệp một cách bền vững tại những khu vực này hay ở nơi khác.
Ví dụ, tại các vùng rộng lớn ở miền Nam sa mạc Sahara ở châu Phi, sản lượng nông nghiệp có thể được cải thiện rõ rệt nếu quản lý nguồn nước và phân bón một cách hiệu quả hơn."
Nhóm nghiên cứu cho rằng cần thay thế một số khẩu phần đạm động vật bằng chất đạm dồi dào có trong quả đậu và các loại rau xanh.
Một yếu tố quan trọng nữa giúp đủ lương thực nuôi sống toàn bộ cư dân Trái Đất là giảm lãng phí lương thực. Báo cáo đặc biệt về sử dụng đất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) mới đây cho thấy hiện có tới 30% lượng lương thực sản xuất bị lãng phí.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy đất đai là phần mang tính nhạy cảm và thách thức nhất.
Đồng tác giả của nghiên cứu trên, ông Wolfgang Lucht cho biết mọi vấn đề liên quan tới đất đai có xu hướng trở nên phức tạp và gây tranh cãi trên thực tiễn bởi sinh kế và triển vọng của con người đều phụ thuộc vào đất.
Do vậy, việc chuyển sang sử dụng và quản lý đất một cách bền vững hơn là thách thức đòi hỏi sự khắt khe trong hoạch định chính sách.
Yếu tố để thành công là các khu vực chịu ảnh hưởng cần thấy được lợi ích của việc sử dụng và quản lý đất một cách bền vững hơn đối với sự phát triển của mình, để từ đó hỗ trợ đủ mạnh đường hướng mới này để ổn định bền vững Trái Đất./.