Khuyến nghị doanh nghiệp giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng sang châu Âu

EVFTA đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu tăng từ 35 tỷ euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro vào năm 2023.

Đông đảo doanh nghiệp tham gia hội thảo. Ảnh L.Giang

Đông đảo doanh nghiệp tham gia hội thảo. Ảnh L.Giang

Ngày 18-11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu”.

Ông Đinh Sỹ Minh Lăng, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, sau 4 năm Hiệp định Thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (từ tháng 8-2020), Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 năm ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12% đến 15%.

Dẫn đầu là Hà Lan, tiếp đến là Đức, Italia, Bỉ, Pháp… Các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu mạnh vào EU, gồm máy móc và thiết bị điện, giầy dép, thiết bị, lò phản ứng, thiết bị cơ khí, hàng may mặc và phụ kiện, sắt thép, cà phê, trà, gia vị…

Còn theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro vào năm 2023. Tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực được cắt giảm thuế quan theo lộ trình khi EVFTA có hiệu lực.

Đánh giá riêng về thị trường Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam với việc xóa bỏ trên 99% dòng thuế trong vòng 6 năm.

Các sản phẩm có nhu cầu nhập khẩu cao tại Anh gồm: Cá basa, tôm đông lạnh, cá ngừ đóng hộp; sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường, từ sợi tự nhiên; giầy da, giầy thể thao chất lượng cao và giá cả cạnh tranh; đồ gỗ thiết kế tinh tế, phù hợp với xu hướng nội thất hiện đại và các sản phẩm cà phê, hạt điều, rau quả tươi, thực phẩm chế biến.

Sản phẩm của May 10 xuất khẩu mạnh sang châu Âu. Ảnh: Nguyễn Thúy

Sản phẩm của May 10 xuất khẩu mạnh sang châu Âu. Ảnh: Nguyễn Thúy

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, ông Minh Lăng khuyến nghị doanh nghiệp chọn con đường chính ngạch nhằm nâng cao uy tín của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam với tính pháp lý rõ ràng, rủi ro thấp hơn và có thể tiếp cận được nhiều thị trường lớn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu, xác định thị trường mục tiêu, tiêu chuẩn, quy định của thị trường từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể. Chọn tiêu chuẩn phù hợp với sản phẩm và thị trường mục tiêu (ISO 9001, HACCP,...) từ đó xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đào tạo nhân viên, cải tiến công nghệ.

Với thị trường Anh, ông Cảnh Cường khuyến nghị, doanh nghiệp cần sử dụng marketing kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI), tham gia hội chợ thương mại quốc tế; áp dụng tiêu chuẩn Anh.

“Bao bì cũng cần sử dụng chất liệu tái chế, dễ phân hủy cùng thông tin rõ ràng về tên sản phẩm, thành phần, hướng dẫn sử dụng với màu sắc nhã nhặn, tránh các màu sắc sặc sỡ để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Anh”, ông Cảnh Cường nêu.

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khuyen-nghi-doanh-nghiep-giai-phap-thuc-day-xuat-khau-hang-sang-chau-au-684882.html