Khuyến nghị hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp dệt may, da giày túi xách bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Một bản tuyên bố chung vừa được ký kết với nhiều khuyến nghị được đưa ra nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với người lao động và doanh nghiệp ngành dệt may; da, giày, túi xách tại Việt Nam.

Chiều 22-6 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ) Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS); Hiệp hội Da, Giày, Túi xách Việt Nam (LEFASO) và Công đoàn Hà Lan (CNV) đã ký kết tuyên bố chung về sáng kiến hợp tác khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với người lao động và doanh nghiệp ngành dệt may; da, giày, túi xách tại Việt Nam.

Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu

Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu

Tham dự lễ ký kết có: Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI; bà Phạm Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch LEFASO; ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch VITAS.

Theo VITAS và LEFASO, đại dịch COVID-19 đã tạo ra những tác động tiêu cực đến công ăn việc làm cho lao động của hai ngành dệt may; da, giày, túi xách. Hơn 1 triệu lao động trong tổng số 4,3 triệu lao động của ngành công nghiệp này bị mất việc hoàn toàn. Số còn lại chỉ làm việc với 50-60% công suất và do vậy thu nhập cũng bị giảm 40%.

Trong khi đó, hơn 75% lao động trong ngành là phụ nữ, vốn là những người dễ bị tổn thương và chịu tác động nhiều nhất trong xã hội. Nhiều người lao động bị ảnh hưởng còn gặp khó khăn khi tiếp cận các hỗ trợ từ Chính phủ.

Dù các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn đã cố gắng hết sức để duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động, nhưng tình trang mất việc và giảm thu nhập của 4,3 triệu lao động đã có tác động dây chuyền và ảnh hưởng đến đời sống của gần 3 triệu gia đình.

Vì vậy, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ kịp thời và thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, cần tạo ra các cơ chế và hỗ trợ về nguồn lực để giúp các ngành công nghiệp dệt may; da, giày, túi xách trở thành ngành công nghiệp sáng tạo, có thể sản xuất ra các sản phẩm và áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững và thân thiện hơn với môi trường.

"Ngoài ra, cần thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may; da giày, túi xách thông qua các Hiệp định thương mại, từ đó tạo điều kiện để chúng tôi đào tạo cho người lao động và nâng cao khả năng tìm việc làm cho họ. Tăng cường trách nhiệm của nhãn hàng trong các chuỗi cung ứng cũng sẽ góp phần duy trì việc làm và sinh kế của người lao động"- ông Ngọ Duy Hiểu nói.

4 bên ký kết tuyên bố chung về sáng kiến hợp tác khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với người lao động và doanh nghiệp ngành dệt may; da, giày, túi xách tại Việt Nam.

4 bên ký kết tuyên bố chung về sáng kiến hợp tác khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với người lao động và doanh nghiệp ngành dệt may; da, giày, túi xách tại Việt Nam.

Mặc dù thừa nhận đây là mong muốn đầy tham vọng trong một bối cảnh khó khăn, nhưng các bên tham gia ký kết tuyên bố chung kêu gọi Chính phủ Việt Nam, Chính phủ các quốc gia thành viên EU, các đối tác, các nhãn hàng EU ủng hộ sáng kiến này trên cơ sở các khuyến nghị sau đây:

Có cơ chế hỗ trợ kịp thời và thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính;

Tạo ra các cơ chế và hỗ trợ về nguồn lực để giúp các ngành công nghiệp dệt may, da, giày, túi xách trở thành ngành công nghiệp sáng tạo, có thể sản xuất ra các sản phẩm và áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững và thân thiện hơn với môi trường;

Thúc đẩy sự phát triển của ngành, thông qua các hiệp định thương mại, từ đó tạo điều kiện để đào tạo cho người lao động và nâng cao khả năng tìm việc làm cho họ;

Tăng cường trách nhiệm của nhãn hàng trong các chuỗi cung ứng để góp phần duy trì việc làm và sinh kế của người lao động; đầu tư vào các quan hệ đối tác chiến lược, thúc đẩy và phát triển hơn nữa đối thoại xã hội phù hợp với bối cảnh Việt Nam và các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Đại diện VCCI và 2 Hiệp hội đánh giá đây là sự kiện quan trọng, giá trị với người lao động trong bối cảnh ảnh hưởng của COVID-19.

Theo đại diện 2 Hiệp hội, tuyên bố chung có sự tham gia của các bên sẽ mang lại thông điệp gửi tới EU, Chính phủ Việt Nam để có động thái hỗ trợ 2 ngành này vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19. Bản tuyên bố này thể hiện giới chủ và đại diện người lao động đã có tiếng nói chung để 2 ngành sản xuất này có bước tiến tốt hơn, tận dụng được cơ hội của thị trường trong giai đoạn tới.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/khuyen-nghi-ho-tro-nguoi-lao-dong-va-doanh-nghiep-det-may-da-giay-tui-xach-bi-anh-huong-boi-covid-19-20200623092057169.htm