Khuyến nghị xây thành phố thông minh vì không khí sạch ở Việt Nam
Hội thảo 'Giải pháp thành phố thông minh vì không khí sạch' ở Việt Nam là cơ hội để các cơ quan chức năng trao đổi thông tin và hoạt động trong lĩnh vực chất lượng không khí.
Ngày 27/9, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST), Live and Learn, Trung tâm Đông-Tây (EWC) và Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP) phối hợp tổ chức Hội thảo “Giải pháp thành phố thông minh vì không khí sạch: Thực hành hiện nay và khuyến nghị cho Việt Nam.”
Hội thảo nằm trong Dự án “Không khí sạch-Thành phố xanh” do Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn) thực hiện, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Dương, đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, cho biết ô nhiễm không khí đang là vấn đề nghiêm trọng tại các thành phố lớn và khu công nghiệp trên cả nước, ảnh hưởng đến mọi đối tượng trong xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, người dân cần được nhận thức ô nhiễm không khí đang ở mức độ nào, về hiện trạng và nguyên nhân gây ra vấn đề ô nhiễm không khí.
Tuy vậy, Việt Nam đang thiếu các số liệu liên quan và các nghiên cứu khoa học về ô nhiễm không khí để thông tin tới người dân một cách minh bạch và nhất quán.
Hội thảo này chính là cơ hội để các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cơ quan nhà nước giao lưu và trao đổi thông tin về các chủ đề liên quan, qua đó củng cố mạng lưới các chuyên gia và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chất lượng không khí.
Để giảm ô nhiễm không khí tại "thành phố thông minh," Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP), nhấn mạnh thời gian gần đây chất lượng không khí đô thị đang là một vấn đề nóng, trong đó có vụ cháy ở Nhà máy cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Hà Nội) gây ô nhiễm thủy ngân trong không khí, nước và đất; chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội trong một số ngày gây bụi PM2.5 rất cao... làm người dân Thủ đô lo lắng.
Hơn nữa, để xây dựng “thành phố thông minh” tại Việt Nam thì còn thiếu và yếu (thiếu trạm, không bền vững) về dự báo chất lượng không khí, số lượng khí tượng khó tiếp cận, phải mua; không xác định chính xác nguyên nhân gây ô nhiễm; đồng thời mục tiêu giảm ô nhiễm cụ thể và kiểm kê nguồn phát thải vẫn chưa được đặt ra; thiếu chính sách rõ ràng với các nguồn ô nhiễm chính.
Nên muốn xây dựng "thành phố thông minh", Việt Nam cần chuẩn bị mục đích cuối cùng là phục vụ người dân có cuộc sống tốt hơn bằng việc hỗ trợ ra quyết định và cung cấp số liệu, hạ tầng công nghệ thông tin (hệ thống mạng và các cảm biến), các ứng dụng và khả năng phân tích dữ liệu để chuyển tải các dữ liệu thô thành các hành động, dự báo....
Hơn nữa, môi trường thông minh cũng là một thành phần không thể thiếu của "thành phố thông minh" để giảm ô nhiễm không khí, chất thải sinh hoạt, giảm tiêu thụ nước và tiêu thụ năng lượng.
Hội thảo có ba chủ đề kỹ thuật: Sử dụng máy đo chất lượng không khí giá thành thấp cho quan trắc; Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe; Mô hình hóa ô nhiễm không khí tại các thành phố.
Các chủ đề này đề cập những vấn đề như thúc đẩy khoa học công dân bằng máy đo giá thành thấp; xu hướng quốc tế trong quản lý chất lượng không khí "thành phố thông minh," ứng dụng cảm biến giá thành thấp trong nghiên cứu.
Tiến sỹ Sumeet Saksena, đại diện Trung tâm Đông-Tây (Hoa Kỳ) nêu rõ hiện xu hướng quốc tế trong quản lý chất lượng không khí của "thành phố thông minh" là thúc đẩy số hóa, phân biệt chương trình thông minh và tiếp cận, cung cấp thông tin theo thời gian thực.
Ví dụ, nhiều quốc gia đã chia sẻ Chương trình đi chung trên xe đạp; lắp cảm biến trên ba lô của học sinh hay thành phố Chicago (Hoa Kỳ) từ năm 2014 đã áp dụng Chương trình thí điểm lắp thiết bị cảm biến tại cột đèn để các bên liên quan thu thập chính xác thông tin, quản lý hành trình tốt hơn nhằm tránh bị tắc đường và xác định vùng nào bị ô nhiễm môi trường.
Theo Tiến sỹ Sumeet Saksen, Việt Nam nên tập trung vào thực hiện mô hình khoa học công dân (quản lý chất lượng không khí, thu thập dữ liệu), nghiên cứu thời lượng người dân bị phơi nhiễm (khách bộ hành, đi làm bằng xe buýt…); đồng thời tiến hành nghiên cứu với những người hoạt động ở ngoài đường, quán ăn vỉa hè, hít khí thải từ xe cộ trên đường để bổ sung vào các tài liệu nghiên cứu.
Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao nhân thức của người dân về rủi ro; thúc đẩy sự tham gia của người dân vào việc giám sát thu thập dữ liệu.
Tại hội thảo, các đại biểu được cung cấp thông tin về các giải pháp sử dụng hệ thống quan trắc chất lượng không khí bằng máy đo giá thành thấp của Việt Nam như AirNet (Bản đồ chất lượng không khí thời gian thực); Air Quality Egg- PM (thiết bị đo bụi theo nguyên tức tán xạ ánh sáng); Air Beam (đo nồng độ PM chung); Purple Air (dữ liệu được lưu trữ trên đám mây khi kết nối Wifi); Flow Plume Air và PATst (đo bụi).
Đặc biệt, với giải pháp PAM Air ra mắt từ đầu năm 2019, đã có khoảng 80 điểm đo cảm biến được sử dụng ở một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó Hà Nội có khoảng 40 điểm. PAM Air dựa trên các thiết bị cảm biến đo chất lượng không khí theo thời gian thực.
Dữ liệu tại các điểm đo sẽ được thu thập, xử lý và phân tích để tính toán ra Chỉ số AQI, hiển thị trên cổng thông tin www.pamair.org và ứng dụng PamAir./.