Khuyến nông Bắc Giang đồng hành với nông dân
Năm 1993, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) ra đời. 30 năm qua (1993-2023), hệ thống khuyến nông là một phần không thể thiếu trong 'bức tranh' phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh nhà. Công tác khuyến nông ngày càng đổi mới với các mô hình hiệu quả, định hướng giúp nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Các mô hình hiệu quả cao
Mỗi năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai hàng chục mô hình ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Các mô hình luôn có sự thay đổi, phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của địa phương. Cán bộ khuyến nông không chỉ tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, ưu tiên con giống, cây giống chất lượng mà còn hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; liên kết theo chuỗi giá trị; tiết kiệm tài nguyên; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao.
Giai đoạn từ năm 2017 đến nay, Trung tâm xây dựng nhiều mô hình trồng giống lúa chất lượng (BC15, TBR225, TBR97, QR15, Thái Bắc, J02) với tổng diện tích hơn 280 ha. Cán bộ khuyến nông bám đồng, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, ứng dụng máy bay không người lái phòng trừ sâu bệnh, liên kết với một số doanh nghiệp thu mua sản phẩm sau thu hoạch. Cây lúa tại các mô hình cho năng suất cao, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Vài năm trước, Trung tâm xây dựng mô hình trồng na Thái quy mô 5 ha tại xã Nghĩa Phương (Lục Nam). Giống na này cho quả ngọt, ít hạt, giá bán cao gần gấp đôi so với một số giống na cũ. Được mắt thấy tai nghe, nhiều hộ dân đã làm theo, góp phần mở rộng diện tích na Thái, đáp ứng nhiệm vụ phát triển cây ăn quả bền vững trên địa bàn huyện.
Nhận thấy dưa lưới Ichiba là cây cho giá trị kinh tế cao, năm 2023, Trung tâm triển khai mô hình ứng dụng giá thể sản xuất dưa lưới trong nhà màng tại xã Trí Yên (Yên Dũng). Hộ anh Trần Xuân Đăng (xã Trí Yên) tham gia mô hình được hỗ trợ gần 14 nghìn hạt giống, hơn 3 nghìn kg xơ dừa đã xử lý, gần 7 nghìn túi đựng giá thể polime. Cán bộ kỹ thuật còn hướng dẫn bổ sung phân trùn quế vào xơ dừa tạo môi trường dinh dưỡng cho cây phát triển; đồng thời thường xuyên đến kiểm tra, hướng dẫn chăm sóc cây trồng theo từng giai đoạn.
Cùng đó, chủ hộ đầu tư hệ thống nhà màng, che nắng, tưới nước tự động nên hạn chế những tác động tiêu cực của thời tiết, giúp cây phát triển, sinh trưởng tốt. Hiện hàng nghìn cây dưa lưới Ichiba đang đậu quả, cuối tháng 11/2023 sẽ cho thu hoạch. Với diện tích 0,6 ha, hộ anh Đăng dự kiến thu về 16-18 tấn quả, giá bán dao động từ 27-29 nghìn đồng/kg.
Anh Đăng nói: “Được hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình nên gia đình tôi có điều kiện đầu tư nâng cấp hệ thống tưới nước, che nắng tự động, mua phân bón. Xơ dừa sau khi sử dụng một vụ tiếp tục được xử lý, tái sử dụng nên tiết kiệm chi phí. Tôi dự kiến tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình trong thời gian tới”.
Đối với hoạt động chăn nuôi, Trung tâm ưu tiên xây dựng các mô hình an toàn sinh học, theo hướng VietGAHP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Đây là “đòn bẩy” giúp nông dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô trang trại bền vững, tăng giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới.
Trong chương trình khuyến lâm, cán bộ kỹ thuật ưu tiên đưa các giống cây keo, bạch đàn nhân giống bằng phương pháp mô; cây lâm sản ngoài gỗ (trà hoa vàng, ba kích, hương bài, mây nếp…) vào trồng theo quy mô lớn, tạo vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, có sự liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị.
Bạn của nhà nông
Bên cạnh thực hiện các mô hình trình diễn, hệ thống khuyến nông còn có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền; đào tạo tập huấn và tư vấn dịch vụ khuyến nông. Ở bất cứ nhiệm vụ nào, cán bộ khuyến nông cũng bám sát phương châm đồng hành cùng nông dân.
Theo Phòng Thông tin - Tổng hợp (Trung tâm Khuyến nông tỉnh), những năm gần đây, các thông tin khuyến nông được “phủ sóng” trên nhiều website, mạng xã hội giúp nông dân tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng. Nội dung là các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tỉnh về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giới thiệu tiến bộ khoa học kỹ thuật, công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thông tin thị trường, gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi...
Ngày 26/10/2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm khuyến nông Việt Nam (1993-2023). Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ trao Bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong 30 năm hoạt động khuyến nông; trong đó có Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang.
Nếu như trước kia, hội nghị, hội thảo thường tổ chức ở cấp tỉnh thì nay nhiều cuộc được thực hiện tại cấp huyện để lồng ghép với việc tham quan mô hình; trao đổi kinh nghiệm; giới thiệu máy móc, công nghệ hiện đại. Ngoài ra, mỗi năm, hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở tổ chức khoảng 2 nghìn lớp tập huấn cho nông dân. Người dân được trang bị kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây, con chủ lực; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; kết nối tiêu thụ; mở rộng thị trường. Nhiều nông dân đã áp dụng thành công kiến thức đã học vào thực tế.
Hệ thống khuyến nông tỉnh Bắc Giang đã phát triển và dần hoàn thiện. Tuy nhiên, thực hiện chính sách tinh giản biên chế, đến năm 2024, toàn tỉnh không còn biên chế khuyến nông cơ sở song hoạt động khuyến nông vẫn cần duy trì với những yêu cầu cao hơn. Đây là một khó khăn cho những người làm công tác này
Để tiếp tục đồng hành với nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Kết quả đến nay, toàn tỉnh có 9 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2023 ở 4 huyện đã thành lập 9 tổ khuyến nông cộng đồng.
Các tổ có tổng số gần 90 thành viên là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, khuyến nông viên, đại diện các hội, đoàn thể, hợp tác xã, doanh nghiệp. Tổ có nhiệm vụ tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; hướng dẫn tư vấn, hỗ trợ xây dựng kế hoạch sản xuất, tập huấn kỹ thuật, liên kết nông dân với doanh nghiệp nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản.
Những năm tiếp theo, công tác khuyến nông tiếp tục bám sát định hướng của ngành nông nghiệp. Đó là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Ông Đào Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho hay: "Hoạt động khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, tích hợp đa giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định KT-XH. Chúng tôi sẽ tiếp tục lựa chọn và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, phân bón, quy trình sản xuất, cơ giới hóa... đưa vào xây dựng mô hình trình diễn trên các loại cây, con vật chủ lực của tỉnh. Cùng đó, quan tâm xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và nhãn hiệu hàng hóa để tăng tính cạnh tranh trên thị trường”.
Bài, ảnh: Mạc Yến