Khuyến sinh bằng chính sách nhân văn, bền vững

Cùng với việc ban hành chính sách hỗ trợ tiền cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, TPHCM đang nghiên cứu nhiều chính sách mang tính lâu dài, bền vững để khuyến sinh, nhằm ứng phó với mức sinh thấp.

Nỗ lực cải thiện tình trạng mức sinh thấp

TPHCM đang rơi vào trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp và mức sinh liên tục giảm (từ 1,39 con/phụ nữ vào năm 2022 xuống còn 1,32 con/phụ nữ vào năm 2023), hiện ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế là 2,1 con. Tình trạng mức sinh thấp kéo dài để lại nhiều hệ lụy, như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

 Trẻ em tham gia hoạt động tại Trường Mầm non 1, quận 5, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trẻ em tham gia hoạt động tại Trường Mầm non 1, quận 5, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội, phân tích, để cải thiện tình trạng này, TPHCM cần xây dựng chính sách dân số và lao động linh hoạt, hướng đến cải thiện chất lượng sống cho người dân. Trong đó, thành phố cần chú trọng đến chăm sóc y tế, giáo dục, hỗ trợ chi phí nuôi dạy con cho các cặp vợ chồng và cung cấp nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân…

Theo ThS Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số TPHCM, để giải quyết vấn đề mức sinh thấp, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Đồng thời, cần có sự đồng bộ chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ về giáo dục, y tế, đời sống, nhà ở xã hội, thuế thu nhập cá nhân... để các cặp vợ chồng yên tâm sinh con và sinh đủ hai con.

Vào cuối năm 2024, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết về chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn thành phố. Điểm chính của chính sách này là hỗ trợ 3 triệu đồng đối với phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi; hỗ trợ 2 triệu đồng đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng sống tại xã đảo khi thực hiện tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh.

ThS Phạm Chánh Trung cho rằng, mức hỗ trợ trên là một trong nhiều giải pháp TPHCM đang triển khai để cải thiện tình trạng mức sinh thấp. Khoản tiền này hỗ trợ chi phí y tế khi thực hiện thăm khám thai kỳ, thực hiện sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh và viện phí đồng chi trả sau khi được bảo hiểm y tế thanh toán, thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với các cặp vợ chồng đã chung tay thực hiện việc sinh đủ hai con.

Hiện Sở Y tế TPHCM đang hoàn thiện dự thảo đề án một số giải pháp chủ yếu nhằm góp phần làm tăng tổng tỷ suất sinh, nâng cao chất lượng sức khỏe giai đoạn đầu đời, trẻ em, trẻ vị thành niên trên địa bàn thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Khi đề án được thông qua, sẽ có hàng loạt chính sách cũng như giải pháp mang tính hệ thống được triển khai nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp của thành phố.

Xây dựng chính sách toàn diện

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, tình trạng mức sinh thấp là vấn đề lớn, tác động toàn diện vào tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố. Do đó, thành phố đã và đang tập trung các giải pháp để giải quyết tình trạng mức sinh thấp, phấn đấu thực hiện việc điều chỉnh tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025, hướng tới năm 2030 đạt 1,6 con/phụ nữ.

Vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị 17 về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới tại TPHCM. Trong đó, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số, chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số. UBND TPHCM cũng giao Sở Y tế phối hợp Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về dân số. Trọng tâm là các giải pháp để giải quyết tình trạng mức sinh thấp và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, bên cạnh chính sách về nhà ở với các dự án nhà ở xã hội, chương trình nhà ở cho công nhân thuê, TPHCM xây dựng chính sách mang tính bền vững về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Trong đó, thành phố đang nghiên cứu chính sách toàn diện về giáo dục, như miễn, giảm học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông và những điều kiện hỗ trợ khác. Về y tế, thành phố đang xây dựng chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện, tiến bộ. Thành phố cũng đang chuẩn bị để khi đủ điều kiện thì sẽ có quy định về sức khỏe, tâm lý, hiểu biết pháp lý…, là điều kiện để đăng ký kết hôn.

Bên cạnh công tác khuyến sinh, TPHCM cũng tập trung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, cải thiện môi trường làm việc, nâng chất lượng sống, thu hút nhân lực và tăng năng suất lao động, thu hút nguồn lực xã hội để đảm bảo an sinh xã hội… nhằm triển khai chiến lược thích ứng với già hóa dân số.

Để duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đảm bảo tốc độ gia tăng dân số và duy trì cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động hợp lý, Chính phủ và ngành y tế đã đưa ra nhiều giải pháp vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con. Trong đó, bãi bỏ tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên, khuyến khích phụ nữ kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ hai con trước tuổi 35. Bộ Y tế cũng đề xuất bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3.

Ngoài ra, các địa phương nghiên cứu, thí điểm, nhân rộng dịch vụ đưa đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sĩ gia đình…; quy hoạch xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp.

NGÔ BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khuyen-sinh-bang-chinh-sach-nhan-van-ben-vung-post777072.html