Những chùm ánh sáng kỳ lạ xuất hiện trước và trong động đất lớn từ lâu đã khiến các nhà khoa học bối rối nhưng chúng chắc chắn là có thật.
Đó là nhận định của ông John Derr, một nhà địa vật lý đã nghỉ hưu, từng làm việc tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, cũng là đồng tác giả một số bài báo khoa học về ánh sáng động đất hay EQL.
Trong ấn bản năm 2019 của Bách khoa toàn thư về Địa vật lý đất rắn mà ông John Derr là đồng tác giả, ánh sáng động đất có thể có nhiều dạng khác nhau. Chúng trông giống như tia sét thông thường hoặc một dải sáng trong bầu khí quyển giống như cực quang.
Những lúc khác, chúng lại giống những quả cầu phát sáng lơ lửng giữa không trung hay như những ngọn lửa nhỏ bập bùng nổi lên từ mặt đất, như hình ảnh xuất hiện trước động đất ở Morocco hôm 8-9
Trước đây, ánh sáng động đất từng được camera an ninh ghi lại trong trận động đất năm 2007 ở Pisco, Peru.
Hay một đoạn video được quay ở Trung Quốc ngay trước trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 cho thấy những đám mây phát sáng lơ lửng trên bầu trời.
Qua thu thập thông tin về 65 trận động đất ở Mỹ và châu Âu có từ năm 1600, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khoảng 80% các lần xuất hiện EQL gắn với các trận động đất có cường độ lớn hơn 5 độ richter.
Trong hầu hết các trường hợp, hiện tượng này được quan sát thấy ngay trước hoặc trong khi xảy ra địa chấn và nó có thể nhìn thấy cách tâm chấn 600 km
Các trận động đất, đặc biệt là những trận động đất có cường độ mạnh, thường xảy ra ở khu vực ranh giới của các mảng kiến tạo. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2014 cho thấy, phần lớn ánh sáng phát ra từ những trận động đất xảy ra bên trong các mảng kiến tạo.
Hơn nữa, ánh sáng động đất có nhiều khả năng xảy ra gần các thung lũng tách giãn, những nơi mà trong quá khứ lớp vỏ Trái đất đã bị tách ra, tạo ra một vùng đất thấp nằm giữa hai khối đất cao hơn.
Friedemann Freund, đồng nghiệp của ông John Derr, giáo sư tại Đại học San Jose và từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA, đã đưa ra một lý thuyết về ánh sáng động đất.
Ông Freund giải thích rằng khi một số tạp chất nhất định trong tinh thể đá chịu áp lực cơ học, chẳng hạn như trong quá trình hình thành áp lực trước hoặc trong một trận động đất lớn, chúng ngay lập tức vỡ ra và tạo ra điện.
Đá là chất cách điện, khi bị tác động về mặt cơ học sẽ trở thành chất bán dẫn. Quá trình này giống như bật một cục pin, tạo ra điện tích xuyên qua những tảng đá lớn đang trong quá trình dịch chuyển.
“Chúng di chuyển rất nhanh, có thể lên tới khoảng 200 mét mỗi giây”, ông Friedemann Freund giải thích trong một bài báo năm 2014 trên The Conversation.
Hiện tại vẫn chưa có sự đồng thuận giữa các nhà địa chấn học về cơ chế gây ra ánh sáng động đất và các nhà khoa học vẫn đang cố gắng giải mã những bí ẩn về nó
Ông Freund hy vọng một ngày nào đó có thể sử dụng ánh sáng động đất hoặc điện tích gây ra chúng, kết hợp với các yếu tố khác, để giúp dự báo một trận động đất lớn sắp xảy ra.