'Kì nhân' miền sơn cước
Hàng chục loại hoa, quả, lá, gốc, rễ cây rừng với các công dụng chữa bệnh khác nhau được ông Hồ Văn Hùng (65 tuổi) miệt mài xuyên rừng tìm kiếm, mang về chữa bệnh cho dân bản. Ngoài việc chữa bệnh cho dân bản, ông còn thông tuệ tất cả những gì thuộc về rừng xanh, núi thẳm…
Mới 5 giờ sáng, bản Phú An, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, còn chìm trong biển sương mù dày đặc, rét buốt, ông Hùng đã trở dậy. Bên bếp củi than đượm hồng nổ lép bép, vợ ông lúi húi chuẩn bị nắm cơm, nhúm muối và vài quả ớt nướng làm lương thực cho chồng. Ông Hùng với tay lấy con dao phát, cái bao tải rồi sục chân vào ủng, cất bước về phía cánh rừng sau bản. Phải mất vài giờ đồng hồ luồn rừng, lội suối, ông mới tìm được khóm dây leo có từng chùm hoa màu đỏ li ti. Cẩn thận cắt dây leo cho vào bao tải, ông Hùng giảng giải: “Đây là loại cây a xuôm co. Loại cây này ngâm rượu hoặc sắc uống có tác dụng bồi bổ thần kinh, giúp người bệnh ngủ ngon. Rễ loại dây leo này khi ngâm vào rượu sẽ cho màu xanh như rượu chanh (ngày xưa) với vị ngọt, mát, thơm”.
Tranh thủ ngồi nghỉ mệt trên hòn đá cạnh dòng suối sau chặng đường dài tìm cây thuốc trong rừng, ông Hùng cho biết, ông “bén duyên” với nghề thầy thuốc từ hồi còn trẻ. Khoảng năm 1975, có lần ông về thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh) để chữa bệnh ở nhà thầy thuốc Hồ Đàn (quê gốc xã Hướng Hiệp, hiện đã mất). Trong thời gian chữa bệnh, ông được thầy thuốc Hồ Đàn truyền dạy nhiều phương thuốc chữa bệnh từ cây rừng. “Nói thì đơn giản vậy, chứ muốn học nghề thuốc từ thầy cũng gian nan lắm. Vì phải tuân thủ các luật tục bất thành văn trong nghề của các thầy thuốc đồng bào Bru Vân Kiều. Đầu tiên muốn học nghề thầy thuốc, thầy buộc học trò phải ăn muối trắng với cơm trong một tháng bởi theo lời thầy ăn xương, thịt động vật thì làm sao chữa được xương, thịt… Sau khi hoàn thành tháng “ăn chay”, tiếp theo sẽ lặn lội vào các cánh rừng để tìm khoảng 10 loại hoa, quả, lá, gốc, rễ cây rừng thường dùng làm thuốc mà thầy yêu cầu. Tìm một vài loại đã khó, tìm đến 10 loại khó gấp vạn lần. Bởi hoa, quả, lá, gốc, rễ cây rừng có nhiều loại nhìn bên ngoài rất giống nhau, nhất là lá rừng. Lúc ấy, phải dùng mũi để phân biệt mùi của từng loại. Vượt qua được bài kiểm tra khắt khe ấy của thầy thì mới bước vào giai đoạn pha chế các loại hoa, quả, lá, gốc, rễ cây rừng thành thuốc chữa từng loại bệnh. Từ khi thầy nhận làm học trò đến khi tự chữa được bệnh cho bệnh nhân phải mất vài năm”.
Chính nghề thầy thuốc mà ông Hùng học được đã theo ông suốt quãng thời gian gần 40 năm, từ khi ông làm Phó Trưởng Công an xã Hướng Hiệp rồi Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đakrông cho đến ngày nghỉ hưu về sống cuộc đời an nhàn ở quê hương. “Thời còn làm việc, cứ mỗi lần về các bản, làng là tôi tìm đến nhà các thầy thuốc người Bru Vân Kiều để học hỏi thêm các bài thuốc chữa bệnh từ hoa, quả, lá, gốc, rễ cây rừng. Cứ sưu tầm, tích lũy dần để làm dày thêm vốn kiến thức về các bài thuốc chữa bệnh của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều. Bởi thâm tâm tôi luôn canh cánh với nỗi lo sau này nhiều bài thuốc chữa bệnh quý giá của đồng bào Bru Vân Kiều sẽ thất truyền vì không có người tiếp nối”.
Cũng chính trong những ngày tháng lên rừng hái thuốc đã mang ông Hùng đến với nghề nấu rượu cần. Bởi nguyên liệu chính làm nên hồn cốt của rượu cần là men lá được làm từ nhiều loại cây rừng. Và nghề nấu rượu cần “nức tiếng” đã đưa ông lên hàng nghệ nhân của huyện Đakrông. Thỉnh thoảng ông vẫn đi khắp các bản, làng để giảng dạy, truyền thụ nghề nấu rượu cần cho nhiều học viên ở huyện Đakrông, Hướng Hóa.
Trời về chiều, ông Hồ Văn Hùng kết thúc chuyến vào rừng với bao tải đựng đầy các loại rễ, dây leo, lá rừng dùng làm thuốc và trở về nhà. Căn nhà nằm cạnh Quốc lộ 9 của ông đã có đông người bệnh ngồi chờ. Lần lượt từng bệnh nhân được ông cẩn trọng khám, bốc thuốc, thổi thuốc cho đến khi trời nhập nhoạng tối. Hiện tại, mỗi ngày có khoảng từ 20 - 30 bệnh nhân ở khắp các địa phương trong tỉnh và tỉnh Thừa Thiên - Huế tìm đến nhờ ông chữa bệnh. Các loại bệnh mà ông chữa như dạ dày, thận, vai gáy, các bệnh liên quan đến xương, khớp, phù nề… “Ngày xưa, bị bệnh, bệnh nhân phải mang theo 1 con gà, 1 chai rượu, 8 đồng bạc trắng đến nhà thầy thuốc để nhờ thầy chữa bệnh. Khi thầy nhận lời chữa bệnh, bệnh nhân phải tốn thêm một số lễ vật nữa để thầy làm lễ “bỏ thuốc” rồi mới đến công đoạn chữa bệnh.
Từ khi chữa bệnh cho đến lúc hết bệnh, bệnh nhân phải cúng nhiều lễ rất tốn kém. Riêng tôi chữa lành bệnh cho bệnh nhân thì tùy tâm người nhà bệnh nhân muốn tặng lễ vật gì cũng được. Nhiều bệnh nhân nghèo tôi sẵn sàng bỏ tiền mua lễ vật giúp họ và không lấy bất cứ thứ gì họ tặng”, ông Hùng tâm sự. Đưa cho tôi xem hũ rượu ngâm nhiều loại hoa, quả, lá, gốc, ễ cây rừng, ông cho biết đây là bài thuốc thổi qua da có công dụng chữa phù nề, liền xương, viêm đa khớp, liền da… Mỗi loại hoa, quả, lá, gốc, rễ cây rừng đều có công dụng khác nhau. Ví như lá cây chót hang có công dụng chữa liền xương; lá cây sa la ai có công dụng chữa phù nề; rễ cây ku sau có công dụng chữa thần kinh, bại liệt, xương khớp…; rễ, gốc cây sang ka có công dụng chữa bệnh đau bụng, đại tràng, xương khớp…; cây đậu ma có công dụng chữa viêm xoang, rắn độc cắn…
Ông Hùng nói với tôi rằng, từ thuở xa xưa dân tộc Bru Vân Kiều luôn đề cao triết lí sống trân trọng, giao hòa với “mẹ thiên nhiên”. Đổi lại “mẹ thiên nhiên” cũng cho người Bru Vân Kiều rất nhiều ân điển. Đơn cử như rừng cho gỗ làm nhà, thuốc chữa bệnh; sông suối cho cá, tôm, cua để ăn. Riêng với bản thân ông, “mẹ thiên nhiên” ban tặng cho ông các loại cây rừng để làm thuốc chữa bệnh, làm men lá mà lưu giữ nghề nấu rượu cần truyền thống của dân tộc Bru Vân Kiều.
Một mùa xuân nữa lại về với núi rừng Trường Sơn để cây cối trở mình đâm chồi nảy lộc. Và những cây thuốc quý chắt chiu tinh chất từ đất đai cho bao mùa dược liệu để ông Hùng gom nhặt, cứu người.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145534